ĐịNH GIÁ CÔNG NGHệ   |  

Phan Thị Ngọc Lan – PGĐ Cty Luật SHTT HAVIP

Kỳ 1: Định giá theo thị trường

DĐDN đã có bài viết: “Định giá quyền sở hữu trí tuệ: Biến vô hình thành hữu hình”. Với mong muốn mang những kiến thức nhất định về các phương pháp định giá công nghệ đến DN, chúng tôi giới thiệu một số tiêu chí cơ bản của các phương pháp này.

Trong phương pháp định giá theo thị trường, người ta phân tích các giao dịch có thể so sánh được để xác định giá trị một công nghệ. Để có được kết quả chính xác từ phương pháp này cần có các điều kiện sau: Một thị trường năng động với các công nghệ có thể so sánh được; Các công nghệ có thể so sánh được được bán và các điều khoản hợp đồng mua bán là đã biết; Các bên giao dịch độc lập và có thiện chí. Với công nghệ thuộc các lĩnh vực như: dược phẩm, hoá mỹ phẩm, giải khát… DN có thể áp dụng phương pháp định giá này để có được các kết quả chính xác nhất.

Nguyên tắc 3 – 5%: Khi chuyển giao quyền sử dụng các công nghệ quan trọng, đối với nhiều ngành công nghiệp thông thường, mức giá kỳ vụ (royalty) của công nghệ thường từ 3 đến 5% giá bán sản phẩm được sản xuất theo công nghệ được chào. Do mức giá này là phổ biến, nên bên nhận chuyển giao quyền sử dụng thường cảm thấy thoải mái với mức giá kỳ vụ này, và ngược lại, họ sẽ thấy không thoải mái với mức giá kỳ vụ cao hơn.

Chuẩn công nghiệp: Việc định giá công nghệ dựa trên các chuẩn công nghiệp là một trong những cách thường được sử dụng nhất trong chuyển giao quyền sử dụng công nghệ. Giá công nghệ trong các ngành công nghiệp cụ thể như sau:

Ngành công nghiệp máy tính: Mức giá kỳ vụ ở ngành công nghiệp máy tính phần cứng thường vào khoảng 1-5%, bị ảnh hưởng bởi việc IBM áp dụng tỷ lệ này trong chính sách chuyển giao quyền sử dụng của họ năm 1988. Trong khi đó, các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phần mềm máy tính lại có thể có các mức giá kỳ vụ rất cao (đến 25%) do lãi ròng của các sản phẩm phần mềm này lớn. Chương trình cơ sở, bán kèm cùng với phần cứng máy tính, thường được chuyển giao quyền sử dụng với giá ít nhất là từ 0,5 đến 1 USD một bản sao.

Ngành công nghiệp công nghệ sinh học: Các bên thương lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng ngày càng thích thể hiện mức phí kỳ vụ ở dạng tỷ lệ chia lợi nhuận thuần trước thuế hơn là ở dạng phần trăm theo giá bán lẻ, và tỷ lệ chia lợi nhuận đối với ngành công nghệ này thường ở mức 50/50, nếu tính thành mức phí kỳ vụ thì tương đường từ 8 đến 12% giá bán lẻ.

Ngành công nghiệp ô tô: mức giá kỳ vụ đối với các công nghệ được mua vào thường dưới 5%, chủ yếu là dưới 2%. Đối với các công nghệ được bán, mức giá kỳ vụ thấp và thường là ở ngưỡng từ 5 đến 10%.

Ngành công nghiệp chăm sóc sức khoẻ: mức giá kỳ vụ trong các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đối với các thiết bị chăm sóc y tế thường là từ 2 đến 10%, và đối với các hợp đồng bán công nghệ thường là từ 5 đến 10%.

Ngành công nghiệp điện gia dụng: các mức giá kỳ vụ thường thấp do khối lượng sản phẩm đồ gia dụng được sản xuất và bán ra rất lớn và lợi nhuận thuần thấp và thường là dưới 1% (đối với các sản phẩm có giá bán cao) và đến khoảng 3% (đối với các sản phẩm có giá bán thấp).

Mức giá kỳ vụ đối với các công nghệ có kết hợp phần mềm thường nằm trong khoảng từ 0% (ví dụ cho việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu Dolby trên các sản phẩm máy cassett compact) đến tận 50% (đối với các sản phẩm là phần mềm trò chơi điện tử).

Đấu giá: Đấu giá có lẽ là phương pháp đơn thuần nhất để xác định giá trị thị trường của một công nghệ. Theo lý thuyết, giá cao nhất được trả sẽ phản ánh đúng nhất giá trị thị trường của công nghệ mà không cần sử dụng bất cứ phương pháp định giá nào khác.

Định giá công nghệ quy trình sản xuất sản phẩm X của Cty TL, khi Cty này định chuyển giao quyền sử dụng cho Cty NOP

(Sử dụng phương pháp định giá theo thị trường)

1. Cty AIP vừa chuyển giao quyền sử dụng một quy trình đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, tương tự như quy trình của Cty T.L, với phí trả ban đầu là 50,000 USD và mức giá kỳ vụ là 3% giá bán lẻ của sản phẩm. Bằng độc quyền công nghệ của Cty AIP hết hiệu lực vào 2010.

2. Tổng doanh số của Cty AIP đối với sản phẩm được sản xuất theo quy trình chuyển giao quyền sử dụng ước tính là 2.000.000 USD năm 2006 và sẽ tăng 20% mỗi năm trong các năm sau đó.

3. Quy trình hoá học của Cty TL giúp giảm 15% chi phí sản xuất so với quy trình của AIP, và Cty NOP ước tính lượng sản phẩm sản xuất theo quy trình chuyển giao quyền sử dụng sẽ tăng 40% so với Cty AIP. Bằng độc quyền sáng chế của “X TL” sẽ hết hiệu lực vào năm 2009.

Vì bằng độc quyền sáng chế AIP sẽ hết hiệu lực vào năm 2010, giá trị hiện thời sẽ tương đương với giá trị dòng tiền mặt trong 5 năm đầu tiên. Sử dụng tỷ lệ khấu trừ là 20%, giá trị hiện thời sẽ là 250.000 USD.

Tiếp theo, số tiền này phải được điều chỉnh để phản ánh sự khác nhau giữa hai quy trình. Trước hết, bằng sáng chế “X TL” sẽ hết hiệu lực trước bằng AIP 1 năm, do đó cần tính lại giá trị hiện thời của dòng tiền mặt chỉ cho 4 năm đầu, và giá trị hiện thời sau khi đã được tính lại là 210.000 USD. Quy trình công nghệ “X TL” làm giảm 15% chi phí sẽ làm tăng giá trị của nó, nhưng lợi nhuận tăng lên này cần được chia công bằng cho “X TL” và NOP. Giả sử rằng tỷ lệ chia công bằng là 50/50, thì giá trị hiện thời đã được điều chỉnh sẽ tăng 7,5% và thành 225.750 USD. Cuối cùng, vì Cty NOP tăng công suất được 40% khi áp dụng công nghệ chuyển giao quyền sử dụng nên giá trị hiện thời một lần nữa cần điều chỉnh tăng lên (40%) để phản ánh dòng royalty dự tính cao hơn. Giá trị hiện thời sẽ là 316.050 USD, tức khoảng 5,1 tỷ đồng VN.

(Lưu ý: các số liệu và tên sản phẩm trên đây đã được thay đổi để đảm bảo bí mật kinh doanh của các Cty

Kỳ 2: Phương pháp chia sẻ lợi nhuận

Tất cả các phương pháp định giá công nghệ đều đưa ra kết quả ước tính giá trị công nghệ theo lý thuyết. Khi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ, lợi nhuận do công nghệ sinh ra phải được chia công bằng cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ theo cách có thể chấp nhận được.

Việc phân chia lợi nhuận mà công nghệ mang lại trước tiên phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của công nghệ đó.

Với một công nghệ đã được phát triển đầy đủ, đã được chứng minh qua quá trình thương mại, tức ở giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường và thu lợi nhuận, lẽ công bằng là bên chuyển giao phải được chia lợi nhuận lên đến 50% từ công nghệ này. Trong khi đó, đối với một công nghệ chưa trải quá quá trình thử thách, ví dụ một công nghệ đã được chứng minh tốt về mặt kỹ thuật, tuy nhiên chưa xác định được nhu cầu trên thị trường, tức đã qua giai đoạn thử nghiệm công nghệ nhưng chưa hoặc mới bước vào giai đoạn áp dụng công nghệ vào sản xuất hoặc đưa sản phẩm ra thị trường, thì phần lợi nhuận của bên chuyển giao chỉ vào khoảng từ 25 đến 35%. Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với một công nghệ chưa được phát triển đầy đủ, tức đang trong giai đoạn (1) đến (5), có thể xác định tỷ lệ chia lợi nhuận cho bên chuyển giao là 20% hoặc ít hơn để bù cho việc rủi ro sẽ được chuyển sang cho bên nhận chuyển giao.

Để xác định tỷ lệ chia lợi nhuận thích hợp cũng cần tính đến các thị trường mà ở đó các sản phẩm được sản xuất theo công nghệ được chuyển giao sẽ được bán. Tại các thị trường có lợi nhuận cao đối với sản phẩm có công nghệ chuyển giao thì bên bán sản phẩm không cần có nhiều cố gắng để tiếp cận thị trường. Lúc đó, bên chuyển giao công nghệ cần được nhận tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so tỷ lệ lợi nhuận từ hợp đồng chuyển giao tại các thị trường có lợi nhuận thấp với giá bán sản phẩm cao. Việc xác định mức lợi nhuận để tính mức phí kỳ vụ có thể là rất khó. Để tính tổng lợi nhuận phải dựa vào quá nhiều các thông số bao gồm giá các nguyên vật liệu thô, giá nhân công lao động… Rất có thể sẽ có nhiều bất đồng nảy sinh giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao liên quan đến việc điều chỉnh các thông số để xác định lợi nhuận thuần. Giá bán cũng có thể có ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Để giải quyết các khó khăn nảy sinh trong việc tính lợi nhuận, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng có thể xác định các mức phí kỳ vụ theo phần trăm giá bán thực hoặc theo một vài thông số dễ định lượng khác. Việc chuyển tỷ lệ chia lợi nhuận thành phần trăm giá bán có thể áp dụng được bằng cách ước tính lãi ròng của sản phẩm có công nghệ được chuyển giao.

Cuối cùng, trong các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghệ dài hạn, thường lợi nhuận sẽ thay đổi theo thời gian và do đó tỷ lệ phân chia lợi nhuận cũng có thể được điều chỉnh lại. Nên nhớ rằng việc thoả thuận giảm tỷ lệ chia lợi nhuận theo thời gian thường dễ dàng hơn rất nhiều so với việc thoả thuận tăng các tỷ lệ này. Việc giảm tỷ lệ chia lợi nhuận theo thời gian thường có ở các dạng như giảm chung các tỷ lệ chia lợi nhuận, giảm tổng tiền trả của hợp đồng chuyển giao, ví dụ, cho từng năm, giảm giá với lượng lớn sản phẩm có công nghệ chuyển giao, hoàn một phần phí kỳ vụ cho bên nhận chuyển giao, hỗ trợ các công nghệ mới cho hợp đồng chuyển giao mà không tăng mức phí kỳ vụ, hoặc là sự kết hợp của các hoặc tất cả các phương thức trên.

Kỳ 3: Định giá theo chi phí

Phương pháp định giá công nghệ theo chi phí nghĩa là xem giá trị của công nghệ (hoặc một tài sản bất kỳ nào khác) là chi phí để thay thế bằng một công nghệ giống hoặc một công nghệ tương đương. Mọi người thường cho rằng giá trị của một công nghệ bằng giá của nó cộng với giá trị thương mại, nhưng thực tế lại cho thấy điều này thường không đúng.

Phương pháp định giá theo chi phí không tính đến giá trị thương mại của công nghệ, cả giá trị thương mại thực tế mà công nghệ đã có cũng như giá trị thương mại tiềm năng mà nó có thể có. Các phương pháp định giá theo chi phí có thể hữu dụng trong việc xác định xem nên mua công nghệ hay nên tự nghiên cứu phát triển công nghệ, có tính cả việc chi phí cho việc đăng ký bảo hộ độc quyền công nghệ. Ngoài ra, phương pháp định giá theo chi phí có thể được bên chuyển giao sử dụng để hỗ trợ việc xác định mức giá sàn có thể chấp nhận được trong các điều khoản của hợp đồng chuyển giao.

Một phương pháp định giá theo chi phí thường được sử dụng là định giá dựa trên tổng chi phí liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tổng đầu tư bao gồm chi phí để phát triển công nghệ, và các chi phí để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với công nghệ (như chi phí nộp đơn sáng chế, chi phí đại diện sở hữu công nghiệp…). Một cách khác là ước tính chi phí tái tạo lại công nghệ. Sự giảm giá trị và sự lỗi thời về chức năng kỹ thuật cũng như lỗi thời về kinh tế cũng là những yếu tố cần được tính đến. Với cả hai cách định giá theo chi phí như trên, giá chuyển giao công nghệ sẽ bằng tổng của kết quả tính được theo các cách trên cộng với chi phí chuyển giao và các khoản chi phí rủi ro khác trong đàm phán hợp đồng chuyển giao.

Chi phí cơ hội trong đầu tư công nghệ có thể là yếu tố cần tính đến khi sử dụng phương pháp định giá theo chi phí, nếu muốn. Mặc dù có cái gì đó không được chính xác, các yếu tố trong chi phí cơ hội là hữu dụng trong một số trường hợp, đặc biệt là khi cần phải lựa chọn giữa việc sẽ chuyển giao công nghệ cho người khác hay tiếp tục sản xuất sản phẩm có gắn công nghệ. Để ước tính được chi phí cơ hội, cần xác định các yếu tố thể hiện giá trị lợi nhuận trung bình sinh ra từ các nguồn của Cty và xác suất thành công trong thương mại của công nghệ. Sau đó, áp các yếu tố này vào tổng các chi phí trực tiếp cho công nghệ để xác định giá trị của các nguồn được dành cho công nghệ, cho dù thực tế nó được dùng trong một lĩnh vực khác.

Kỳ 4: Định giá theo số liệu

Cách thường được ưa dùng để định giá công nghệ là ước tính doanh thu tương lai mà việc sử dụng công nghệ mới có thể mang lại. Để ước tính được con số này cần sử dụng phương pháp phân tích kinh tế, một kỹ thuật kinh doanh tiêu chuẩn và cũng chính là phương pháp được sử dụng để định giá các tài sản vô hình.

Cả bên mua và bên bán công nghệ cần phải có sự hiểu biết tốt về thị trường để định giá công nghệ sử dụng phương pháp định giá theo số liệu phân tích kinh tế. Quan trọng nhất trong việc sử dụng phương pháp này là đảm bảo xác định được giá trị chính xác của công nghệ. Cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ đều phải tự phân tích kinh tế từ góc độ của mình và lý tưởng nhất là khi các kết quả của cả hai bên khớp nhau.

Lợi ích kinh tế mà công nghệ mới đem lại có thể được ước tính bằng cách sử dụng một số phương pháp khác nhau sau đây:

1. Xác định phần thu nhập chênh lệch sinh ra khi sử dụng công nghệ mới. So sánh thu nhập dự tính với thu nhập cần có từ tất cả các tài sản hữu hình và vô hình khác, có tính đến rủi ro liên quan đến từng loại tài sản. Sự chênh lệch giữa khoản thu dự tính và khoản thu cần có sẽ thể hiện giá trị của công nghệ.

2. Ước tính khoản thu từ mức phí kỳ vụ mà công nghệ chuyển giao sẽ đem lại. Tổng của khoản thu mức phí kỳ vụ này với lợi nhuận mà bên nhận chuyển giao có được từ công nghệ chính là giá trị của công nghệ đó.

3. Ước tính tất cả các tài sản kinh doanh và trừ đi giá trị của tất cả các tài sản hữu hình và vô hình khác, phần còn lại là giá trị của công nghệ.

4. Kết hợp các phương pháp trên hoặc sử dụng các phương pháp khác được sử dụng cho các trường hợp riêng biệt. Tỷ lệ khấu trừ thích hợp được áp dụng để định giá công nghệ có tính đến sự rủi ro.

Tất cả các phương pháp này đều đòi hỏi một sự phân tích chi tiết công nghệ cần định giá. Bước đầu tiên là xác định càng chính xác càng tốt lợi ích mà công nghệ mang lại.

Tiếp theo, cần xem xét các thành phần của công nghệ chuyển giao.

– Hồ sơ sáng chế: Các bằng sáng chế này là những sáng chế cơ bản hay chỉ là những cải tiến? Các bằng sáng chế này có hiệu lực ở tất cả những thị trường quan trọng hay không? Có khả năng nghiên cứu và tạo ra những cải tiến mới từ các bằng sáng chế này không?…

– Nhãn hiệu hàng hoá: Các nhãn hiệu gắn trên sản phẩm được sản xuất theo công nghệ chuyển giao có nổi tiếng tại thị trường được chuyển giao không, nếu có nổi tiếng đến mức nào? Các nhãn này có được bảo hộ bằng một chính sách bảo hộ thích hợp không? Bên chuyển giao đã làm những gì để quảng bá nhãn hiệu trước đó? Và bên chuyển giao đưa ra những điều kiện gì trong hợp đồng chuyển giao liên quan đến nhãn hiệu này?

– Bí quyết công nghệ: Bí quyết công nghệ có đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và bán sản phẩm chuyển giao không? Ai sẽ trả tiền cho việc chuyển giao bí quyết? Phần nào của bí quyết công nghệ là bí mật thương mại, phần nào là phần dễ bắt chước?

– Sản phẩm bản quyền: Có dễ tạo lại các sản phẩm bản quyền hay không? Nếu đó là các sản phẩm phần mềm hoặc các chương trình cơ sở, việc cung cấp mã nguồn có hiệu quả như thế nào, và liệu có cần chỉnh sửa gì khi ứng dụng không?

Cán bộ thuộc các bộ phận sản xuất, tài chính, nghiên cứu và phát triển, phát triển thị trường cần làm việc, thảo luận với nhau để trả lời các câu hỏi trên. Cán bộ sản xuất có thể xác định xem nguyên liệu nào, thiết bị nào là mới, và chi phí nhân công liên quan đến việc sản xuất sản phẩm kết hợp công nghệ mới, và liệu có thể sử dụng công nghệ mới trên nền cơ sở hạ tầng sẵn có hay phải thay đổi, bổ sung cho cơ sở hạ tầng, và chi phí cho sự thay đổi, bổ sung này là bao nhiêu. Các cán bộ phòng tài chính cần xác định chi phí cần thiết để chạy thiết bị có công nghệ mới trong sản xuất, và định mức sản xuất phải là bao nhiêu để có thể có lợi nhuận. Các cán bộ phòng nghiên cứu và phát triển cần đánh giá công nghệ và các phương án thay thế khác và xác định xem cần phải có những phát triển bổ sang nào để đưa công nghệ vào sản xuất. Phòng phát triển thị trường cần xác định các sản phẩm cạnh tranh và đánh giá triển vọng thị trường và giá bán tiềm năng của sản phẩm mới. Ước tính lượng bán của sản phẩm thường được dựa trên mô hình vòng đời sản phẩm, trong đó lượng sản phẩm bán tăng chậm trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm, tăng nhanh trong giai đoạn giữa, và đạt đến cực đại khi vòng đời sản phẩm đã đạt đến giai đoạn trưởng thành, sau đó sẽ giảm. Thời gian và độ phát triển của vòng đời sản phẩm phụ thuộc vào sản phẩm và thị trường trong đó có sản phẩm.

Có thể ước tính dòng tiền dự tính cho suốt vòng đời của công nghệ, và có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp phân tích. Dòng tiền thu của bên chuyển giao sẽ bao gồm tiền trả ban đầu, các phí kỳ vụ, và các khoản thanh toán khác đã quy định trong hợp đồng chuyển giao. Dòng tiền chi của bên chuyển giao sẽ bao gồm các chi phí cho việc chuyển giao công nghệ cho bên nhận chuyển giao, chi phí việc phát triển tiếp công nghệ, chi phí quản lý và theo dõi các hợp đồng chuyển giao, chi phí duy trì hiệu lực các bằng độc quyền, và các chi phí khác. Dòng tiền thu của bên nhận chuyển giao bao gồm thu nhập có được từ việc bán các sản phẩm có ứng dụng công nghệ chuyển giao, trong khi đó dòng chi của anh ta bao gồm các khoản thanh toán phí kỳ vụ, chi phí có việc phát triển sản phẩm và phát triển thị trường, các khoản đầu tư tư bản và các khoản khác.

Trong tất cả các phân tích, các thông tin và các khoản chi phí cụ thể đều không biết. Nhiều kỹ thuật phân tích đã được phát triển cho phép kết hợp những thông tin và chi phí chưa biết này vào trong các phân tích. Một trong những phương pháp đó là phương pháp phân tích quyết định, trong đó người ta hình dung ra chuỗi các sự kiện và các khả năng để các sự kiện đó xảy ra, từ đó hình dung và ước tính được chi phí có thể có. Các vấn đề khác cũng cần xem xét là sẽ chuyển giao hay không, các điều khoản chuyển giao, xác định các thị trường cụ thể hay không, đầu tư tư bản… Dựa vào các khả năng của từng phương án và chi phí kinh tế cần ước tính được rủi ro và tiềm năng thị trường của công nghệ.

Kỳ 5: Theo dòng tiền khấu hao

Khi thương lượng các điều khoản trong hợp đồng chuyển giao, sẽ rất có lợi nếu các bên ước tính được dòng thu nhập tương lai của công nghệ và chuyển đổi được thành giá trị hiện tại. Từ đó, có thể định giá được hợp đồng chuyển giao và xác định được chiến lược chuyển giao ưu việt nhất.

Trong phương pháp tính toán này, dòng tiền được xác định là dòng tiền thực, nghĩa là khoản chênh lệch giữa dòng tiền thu được và dòng tiền chi phí. Các số liệu cần để tính giá trị hiện tại bao gồm: tổng thu nhập thực; thời gian trả phí và mức độ rủi ro.

– Tổng thu nhập thực: bao gồm bất kỳ khoản phí nào đã được trả trước cộng với dòng phí kỳ vụ được ước tính trong tương lai, trừ đi các chi phí ký kết hợp đồng, tiến hành chuyển giao công nghệ, hỗ trợ bên mua công nghệ… Thu nhập dự tính có thể được tính dựa theo phương pháp phân tích kinh tế và các chi phí cần phải ước tính trên cơ sở các điều khoản thoả thuận trong hợp đồng chuyển giao. Độ chính xác và lợi ích sử dụng của phương pháp định giá theo giá trị hiện tại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác của các ước tính này. Việc tiến hành nghiên cứu thị trường cũng như con số dự tính bán ra trong tương lai phải tương đối chính xác.

– Thời gian trả phí: các khoản phí trả ban đầu rõ ràng có giá trị hiện tại cao hơn so với các khoản phí kỳ vụ trong tương lai, được dự tính sẽ trả trong tương lai xa và xa hơn, là các khoản phí có giá trị hiện tại nhỏ hơn.

– Mức độ rủi ro: cần ước tính phí sẽ thanh toán trong tương lai. Tỷ lệ khấu trừ được chọn trên cơ sở ước tính chi phí sẽ thanh toán trong tương lai và mức độ rủi ro. Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro bao gồm độ chính xác trong ước tính dòng tiền trả, khả năng của bên nhận chuyển giao… Các đầu tư rất ít rủi ro, như trái phiếu Chính phủ Mỹ, có thể có tỷ lệ khấu trừ thấp là 6%, rủi ro càng cao thì tỷ lệ khấu trừ càng lớn.

Khi đã biết ba thông tin trên, việc tính giá trị hiện tại không khó. Theo đó, giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai có thể được tính theo các bước và các công thức sau:

1. Trước tiên, ước tính các dòng tiền, ví dụ cho 5 năm đầu tiền sử dụng một trong số các phương pháp định giá như định giá theo thị trường, phương pháp chia sẻ lợi nhuận, định giá theo chi phí, phương pháp phân tích kinh tế đã được đăng trong các số báo trước.

2. Sau đó, chọn tỷ lệ khấu trừ trên cơ sở mức độ rủi ro liên quan đến sự đầu tư mạo hiểm. Tất cả các rủi ro, bao gồm chi phí cơ hội, trượt giá (lạm phát), và rủi ro mạo hiểm đều phải được tính đến. Đối với các công nghệ mới ở các giai đoạn phát triển đầu tiên, thường áp dụng tỷ lệ khấu trừ 35%, trong khi đối với những đầu tư an toàn hơn thì tỷ lệ khấu trừ sẽ thấp hơn.

3. Tính giá trị hiện tại của dòng tiền trong 5 năm đầu tiên, sử dụng công thức:

V = Y0 + Y1/(1+D)1 + Y2/(1+D)2 + Y3/(1+D)3 + Y4/(1+D)4 + Y5/(1+D)5

Trong đó:V = giá trị; Y0 = dòng tiền trong năm thứ nhất; Y1 = dòng tiền trong năm thứ hai; Y2 = dòng tiền trong năm thứ ba; Y3 = dòng tiền trong năm thứ tư; Y4 = dòng tiền trong năm thứ năm; D = tỷ lệ khấu trừ được chọn.

4. Ước tính dòng tiền sau năm thứ 5 theo công thức trên sẽ không chính xác, do đó sử dụng công thức dưới đây để ước tính dòng tiền cho các năm còn lại sau năm thứ 5. Ước tính tỷ lệ tăng trưởng G (ví dụ là 10%) cho tất cả các năm sau đó và áp dụng để tính dòng tiền cho năm thứ năm (Y4). Giá trị hiện tại của dòng tiền trong các năm cuối cùng T sẽ được tính bằng công thức sau:

T = [Y4 x (1+G)]/[(D-G)x(1+D)5]

Lưu ý: D và G được biểu hiện ở dạng số thập phân (ví dụ, 35% được viết là 0,35).

5. Giá trị hiện tại (PV) là tổng của hai giá trị trên: PV = V + T.

6. Theo cách khác, nếu dòng tiền được ước tính tăng với một tỷ lệ G không đổi, giá trị hiện tại của dòng tiền sẽ là: PV = Y0 x [(1+G)/(D-G)].

baodiendandoanhnghiep.vn/Desktop.aspx/TinTuc/SoTay-DoanhNhan/45.dddn – 79k –