Lơ mơ chuyện thực thi!   |  

Thực ra DN của vị giám đốc này đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá từ tháng 3/2006 và đã được thông báo chấp nhận đơn. DN của ông cũng đã đặt in số lượng lớn bao bì với đầy đủ tên, logo Cty, trọng lượng, thành phần, xuất xứ của sản phẩm. Tất cả đều được thể hiện bằng tiếng Việt. Nhưng ông bối rối không hiểu DN có được quyền bán sản phẩm trong thời gian chờ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hàng hoá hay không. Theo các quy định trước đây và Luật Sở hữu trí tuệ (mới) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 thì trong thời gian chờ này các DN có quyền bán sản phẩm ra thị trường.

Theo giải thích của vị giám đốc nọ, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá sản phẩm phân bón nhập khẩu chính là lựa chọn hướng kinh doanh chính xác của DN. Hiện phân bón Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đang bán tràn lan trên thị trường nội địa với nhiều loại sản phẩm, nhiều hàm lượng khác nhau. Nông dân cũng chỉ biết dùng sản phẩm này theo hướng dẫn của… người bán (thương lái). Không may xảy ra mất mùa vì dùng phải phân bón giả thì… đành chịu. Phân bón nhập khẩu tiểu ngạch tràn lan cũng đẩy các DN vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Phần thắng nghiêng về những DN chỉ nhập khẩu phân bón không đủ hàm lượng và bán với giá rẻ hơn DN khác.

Do vậy, một số DN kinh doanh phân bón đã tiến hành sang bao phân bón Trung Quốc nhập khẩu, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá để bán trên thị trường nội địa. Trên bao bì mới (in bằng tiếng Việt) thể hiện đầy đủ xuất xứ sản phẩm, nhà nhập khẩu, hàm lượng, trọng lượng… Như vậy, DN đã cam kết chịu trách nhiệm với người sử dụng về chất lượng sản phẩm do mình cung ứng. Đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

Nhưng theo một cán bộ quản lý thị trường, thì có thể DN sẽ phạm tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả nếu cố tình bán sản phẩm ra thị trường. Cụ thể, DN nhập khẩu cần phải có uỷ quyền của nhà sản xuất phân bón nước ngoài mới được quyền sang bao. Nghe tới đây thì vị giám đốc nọ… phát hoảng. Bởi lẽ, DN ông (giống như nhiều DN khác), chuyên nhập khẩu phân bón Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Vì thế, chuyện có được uỷ quyền của nhà sản xuất cho sang bao là gần như không thể thực hiện được.

Ngược lại, một cán bộ của Sở Khoa học – Công nghệ Hải Phòng, thì trong thời gian chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, DN có quyền bán sản phẩm đúng với những thông số ghi trên bao bì. Nhưng nếu là sản phẩm sang bao thì… DN phải tự chịu trách nhiệm vì… chưa có tiền lệ cho những sản phẩm loại này?

Vậy là, rốt cục thì DN vẫn không hiểu họ có được quyền bán sản phẩm phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn hiệu của mình hay không. Không nản chí, DN tiếp tục làm công văn gửi Cục Sở hữu công nghiệp, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường rằng: họ có được quyền bán sản phẩm loại này hay không. Hàm ý của DN rất rõ ràng: Họ không muốn bị quy kết vào tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Gần đây, vị Giám đốc nọ tổ chức gặp gỡ với một số cán bộ Công an, Quản lý thị trường, Sở Khoa học – Công nghệ. Nội dung là “nhờ” các ngành “bật đèn xanh”, cho phép DN được bán sản phẩm ra trị trường trong thời gian chờ được trả lời từ các cơ quản quản lý.

Sau một hồi “hội ý”, các cán bộ thực thi pháp luật của các ngành chức năng nhất trí sẽ hỗ trợ DN bằng giải pháp này. Dù sao thì DN cũng không thể dừng kinh doanh trong thời gian chờ được trả lời. Và, các cán bộ còn nhiệt tình cam kết sẽ… nghiên cứu kỹ Luật SHTT (mới có hiệu lực), ngõ hầu tìm giải pháp giúp DN kinh doanh. Nhiệt tình của cán bộ nhà nước như vậy đã rõ.

Nhưng câu hỏi vì sao mà Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực thi hành cả tháng rồi mà cả DN lẫn cán bộ đều… lơ mơ thì chẳng ai trả lời được? Vậy các nhà soạn thảo luật nghĩ sao về thực tế này!

DN đang trông chờ rất nhiều từ Luật SHTT: Chúng ta có thể nhận thấy là tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam là lớn nhưng các vụ kiện ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tới nay hầu như rất hiếm mặc dù quyền này của chủ sở hữu đã được quy định rõ ràng và các chủ sở hữu quyền cũng rất muốn nhận được bồi thường thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề là chưa có quy định về căn cứ tính mức bồi thường thiệt hại. Vì thế với Luật SHTT có căn cứ tính bồi thường thiệt hại rõ ràng cùng với việc thẩm phán các toà án đã được đào tạo sẵn sàng cho vấn đề này, tôi tin chắc rằng chỉ ngay trong năm nay thôi sẽ có các vụ kiện SHTT được xét xử tại toà án.

Cho tới nay đã có nhiều DN áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi sản phẩm của DN bị làm nhái, làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế. Tuy nhiên, do mức xử phạt hành chính trước đây quy định không cao nên hầu như không đạt được hiệu quả ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền, và bản thân các DN này cũng không được bù đắp phần thiệt hại đã mất do hành vi xâm phạm quyền gây ra. Giờ đây, với các quy định cụ thể này của Luật SHTT, các DN cũng đang chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng để đưa vụ việc của họ ra toà.

(PGĐ Cty sở hữu trí tuệ & Văn phòng luật sư HAVIP, Luật sư SHTT Phan Thị Ngọc Lan).