Các GCNQSDĐ được cấp đúng quy định   |  

Trong quá trình sử dụng, hộ gia đình cụ khai thác thêm đất phía bờ sông nên dôi ra 24,6 m2, đưa tổng diện tích sử dụng đất ở thành 144,6 m2. Sau hàng chục năm bị ốm nằm liệt giường không hay biết gì, năm 2004, cụ Nhận qua đời. Nhưng, trước đó, năm 2003, ông Đặng Xuân Kỷ (con trai cụ Nhận) đã nhượng lại 1/2 thửa đất của hộ gia đình cho ông Phạm Thành Đông.

Khi ấy, thửa đất số 284 được chuyển thành 2 thửa: Thửa 113 và thửa 186. Năm 2005, hộ gia đình ông Đặng Xuân Kỷ được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với thửa đất số 113 diện tích 72,3 m2 và hộ gia đình ông Phạm Thành Đông được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 186 diện tích 72,3 m2. Sau đó, ông Phạm Thành Đông chuyển nhượng QSDĐ thửa số 186 cho ông Phạm Hữu Ban và ngày 29/5/2009, UBND huyện Bình Giang đã cấp GCNQSDĐ (thửa 186) cho chủ sử dụng mới là ông bà Phạm Hữu Ban, Lê Thị Nguyệt.

Gần đây, có ý kiến nói cần xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ đối với các trường hợp nêu trên vì năm 1998, ông Đặng Xuân Kỷ ký hợp đồng nhận khoán 5 năm với xã (“mượn đất ở”) để làm dịch vụ kinh tế hộ gia đình trên diện tích 144,6 m2 (thửa số 284). Đồng thời, đất này thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường 394. Ý kiến đó đúng, sai thế nào?

Ý kiến của chúng tôi

UBND huyện Bình Giang cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình Đặng Xuân Kỷ, Phạm Thành Đông và Phạm Hữu Ban (ông Ban nhận chuyển QSDĐ từ ông Đông) là phù hợp quy định của Luật Đất đai 2003.

Về ý kiến nói rằng cần xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ vì năm 1998 ông Đặng Xuân Kỷ ký hợp đồng khoán 5 năm với xã để sử dụng đất làm dịch vụ kinh tế hộ gia đình trên diện tích 144,6 m2 (thửa số 284): Ý kiến này không có cơ sở vì Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi năm 1998) cho phép hộ gia đình, cá nhân được thuê đất công ích 5%. Tuy nhiên, thửa đất số 284 là thổ cư (đất ở, ký hiệu quy ước chữ T). Căn cứ giải thích của Tổng cục Địa chính tại Quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27/7/1995, thì mục đích SDĐ phù hợp với ký hiệu quy ước chữ T ghi trong sổ địa chính là “để ở” được hộ gia đình ông Đặng Xuân Kỷ sử dụng đúng mục đích. Như vậy, hợp đồng khoán với mục đích khác (làm dịch vụ kinh tế hộ) không có giá trị pháp lý, mà cái sai thuộc UBND xã. Về phía người SDĐ ký hợp đồng này, ông Kỷ chỉ có “lỗi” hạn chế hiểu biết pháp luật và do thiếu thông tin (nhất là khi ấy, bố đẻ của ông Đặng Xuân Kỷ là cụ Đặng Văn Nhận – người đứng tên trong sổ địa chính – bị ốm “không còn biết gì”). Ngoài ra, ngày 29/3/2010, tại biên bản làm việc với luật sư đại diện người khiếu nại, Chủ tịch UBND xã Tân Việt thừa nhận không có tài liệu lưu trữ nào thể hiện hộ gia đình ông Kỷ… “mượn đất ở”.

Về ý kiến cần thu hồi GCNQSDĐ vì đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông”: Thửa đất 284 (sau này được tách thành 2 thửa: 113 và 186) được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003 (người sử dụng “có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính”) cho thấy sự ngay thẳng của người dân ngay từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất (trước 18/12/1980), không liên quan gì đến “đất hành lang an toàn giao thông” sau này mới quy hoạch.

Mặt khác, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT và 08/2006/QĐ-BTNMT “Ban hành quy định về GCNQSDĐ”: Trường hợp thửa đất hoặc một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn cấp GCNQSDĐ và ghi chú trong “sổ đỏ”: “Thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình… (ghi tên cụ thể của công trình)” (hoặc “… m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình…”).

Như vậy, các cơ quan chức năng cần giải thích rõ ràng rằng: UBND huyện Bình Giang cấp GCNQSDĐ ở cho các hộ Đặng Xuân Kỷ, Phạm Thành Đông và Phạm Hữu Ban đúng quy định của pháp luật. Không có cơ sở để thu hồi GCNQSDĐ đang được họ sử dụng một cách hợp pháp.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=28016