Năm 1993, ông Nhật tiến hành đăng ký kê khai theo hướng dẫn của UBND xã để được xem xét cấp Giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ. Khi ấy, ông Vũ Văn Mến, cán bộ địa chính (nay là Phó Chủ tịch UBND xã) cùng Trưởng thôn và một số người có trách nhiệm đã đến tận nơi đo đất. Sau khi cụ ông Nguyễn Văn Cù mất (1995), đầu năm 1999, cụ bà Vũ Thị Diện chuyển vào Nam sống với người con trai thứ 8 và ngày 12/7/2000, cụ mất ở đó.

Theo ông Nhật, sau khi nhận QSD 246m2 đất từ bố mẹ, gia đình ông luôn làm tròn trách nhiệm đối với Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Gần đây ông Nhật tìm hiểu thì được biết ngày 26/6/2000, UBND huyện Cẩm Giàng đã cấp GCNQSDĐ cho mẹ của ông (cụ Vũ Thị Diện) trong khi cụ đang sống ở miền Nam.

Ông Nhật thắc mắc: Tại sao xã không làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình ông mà người đứng tên “sổ đỏ” lại là cụ Diện, thì được giải thích rằng, năm 2000, Hội đồng đăng ký đất đai của xã quyết định trả đất ấy cho bà cụ(?); cụ Diện đi vào miền Nam, xã không nắm được nên việc cấp GCNQSDĐ cho cụ chỉ dựa vào sổ quản lý địa chính của xã vào thời điểm trước đó; xã cũng không biết việc hai bên đã giao kết hợp đồng chuyển nhượng 246m2 đất.

Ý kiến của chúng tôi

1. Gia đình cụ Vũ Thị Diện chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân khi không thông báo để chính quyền biết việc cụ rời khỏi địa phương từ năm 1999 để vào miền Nam sinh sống. Nhưng, nếu nói cụ vắng mặt tại địa phương hàng năm trời mà chính quyền… “không nắm được” nên vẫn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ mang tên cụ thì không thuyết phục và điều này cho thấy UBND xã đã không làm tròn trách nhiệm “quản lý hộ khẩu” quy định tại khoản 4 Điều 115 Luật Tổ chức HĐND và UBND.

2. Các “giải thích” tiếp theo nhằm chứng minh việc cấp GCNQSDĐ cho cụ Vũ Thị Diện (trong khi trên thực tế, đất ấy đã thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhật) cũng không có sơ sở:

Nói xã… “không biết việc chuyển nhượng 246m2” là không thuyết phục, bởi tình huống này xảy ra vào năm 1992 thì năm 1993, ông Nguyễn Văn Nhật tiến hành đăng ký kê khai QSDĐ và các cán bộ xã (trong đó có Trưởng thôn và cả cán bộ địa chính) đã đến tận nơi đo đất.

Còn khi nói Hội đồng đăng ký đất đai của xã quyết định “trả đất” cho cụ Diện thì lại chứng tỏ xã… “biết” việc chuyển nhượng đất là có thật (chứ không phải là… “không biết”). Tuy nhiên, căn cứ quy định của pháp luật về đất đai ở thời điểm năm 2000, nhất là Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ, thì Hội đồng đăng ký đất đai cấp xã không có thẩm quyền… “trả đất”(!)

Việc xem xét cấp GCNQSDĐ, theo quy định, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Tại sao chính quyền… “chỉ dựa vào sổ quản lý địa chính của xã vào thời điểm trước đó”?

Chưa hết, Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính còn quy định: Sau khi Hội đồng đăng ký đất đai có kết luận, UBND cấp xã phải “tổ chức công bố công khai kết quả xét duyệt để mọi người dân được tham gia ý kiến”. Xã có tiến hành việc này không?

3. Như vậy, ngày 26/6/2000, UBND huyện Cẩm Giàng cấp GCNQSD đất cho cụ Vũ Thị Diện khi cụ không còn sinh sống ở địa phương kể từ đầu năm 1999 và mất ngày 12/7/2000 (tức chỉ 16 ngày kể từ khi cụ đứng tên chủ sử dụng đất trên “sổ đỏ”) cho thấy có những dấu hiệu không bình thường, cần được làm rõ.

Trong vụ việc này, chúng tôi nhận thấy thắc mắc của ông Nguyễn Văn Nhật có cơ sở. Đề nghị UBND huyện Cẩm Giàng kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
Đăng trên báo Thanh Tra Online