Trước khi nộp đơn đăng ký quốc tế thông qua Hệ thống Madrid, bạn nên tra cứu để tìm hiểu xem các nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự đã tồn tại (hoặc đang chờ xử lý) ở các thị trường mục tiêu của bạn hay chưa.

– Tra cứu trước khi nộp đơn: Tổng quan
Trước khi nộp đơn đăng ký quốc tế thông qua Hệ thống Madrid, bạn nên tra cứu để tìm kiếm các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đã tồn tại (hoặc đang chờ xử lý) tại thị trường mục tiêu của bạn.
Sử dụng hướng dẫn này để tìm hiểu cách thức tra cứu Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO (WIPO’s Global Brand Database) trước khi nộp đơn đăng ký và cách thức tra cứu các đăng bạ nhãn hiệu của các Cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia và khu vực.

– Tra cứu trước khi nộp đơn: Lý do cần phải tra cứu?
Tra cứu các nhãn hiệu đang tồn tại là bước đầu tiên cần thực hiện. Nếu nhãn hiệu của bạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác hoặc vi phạm luật pháp quốc gia, nhãn hiệu có thể sẽ bị từ chối đăng ký.

WIPO và các Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực cung cấp cơ sở dữ liệu giúp bạn tra cứu xem liệu nhãn hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu của bạn đã được sử dụng cho hàng hóa và dịch vụ trùng/ tương tự hay chưa.
Hãy bắt đầu việc tra cứu của bạn với Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO (WIPO’s Global Brand Database). Tìm hiểu thêm tại đây:
https://www.wipo.int/madrid/en/how_to/search/gbd.html 

– Tra cứu trước khi nộp đơn: Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO

Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO (WIPO’s Global Brand Database) cho phép bạn tra cứu các nhãn hiệu đã đăng ký theo Hệ thống Madrid, các Tên gọi xuất xứ được đăng ký theo Hệ thống Lisbon (Lisbon System) và các Biểu tượng được bảo hộ theo Điều 6ter Công ước Paris (Paris Convention 6ter). Một số Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quốc gia cũng được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu này.
Thông qua Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu, bạn có thể:
   • Thực hiện một truy vấn cho nhiều nguồn dữ liệu cùng một lúc
   • Tìm hiểu các nhãn hiệu chữ trùng hoặc tương tự thông qua nhiều tính năng tra cứu khác nhau như tra cứu theo “đúng- sai” (Boolean), tương tự, từ gốc, ngữ âm và “gần tương tự”
   • Tra cứu nhãn hiệu hình trùng hoặc tương tự bằng cách sử dụng chức năng tra cứu hình ảnh
Mặc dù Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu của WIPO bao gồm nhiều cơ sở dữ liệu nhãn hiệu lớn, nhưng nó không bao gồm các nhãn hiệu được nộp trực tiếp (nộp ngoài Hệ thống Madrid) tại các Bên tham gia. Vì vậy bạn nên tra cứu cả các đăng bạ nhãn hiệu của các Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực.


– Tra cứu trước khi nộp đơn: Các cơ sở dữ liệu và đăng bạ nhãn hiệu của các Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực
Các cơ sở dữ liệu hoặc đăng bạ nhãn hiệu của Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực cung cấp hồ sơ về các nhãn hiệu được nộp và được bảo hộ tại các Cơ quan đó. WIPO duy trì thông tin về các Bên tham gia (thành viên) của Hệ thống Madrid (Contracting Parties of the Madrid System), bao gồm các liên kết đến trang web của các Cơ quan SHTT. Truy cập các liên kết này để tra cứu các đăng bạ quốc gia/khu vực.

Lưu ý: các Đăng bạ này không do WIPO quản lý và có thể được thể hiện bằng các ngôn ngữ quốc gia thay vì ba ngôn ngữ chính thức của Hệ thống Madrid là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.


– Tra cứu trước khi nộp đơn:  Nếu bạn phát hiện nhãn hiệu trùng hoặc tương tự
Việc phát hiện một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự từ trước khi nộp đơn sẽ tốt hơn là sau khi nộp đơn. Thông tin này sẽ cho phép bạn đưa ra quyết định nộp đơn thích hợp. Điều quan trọng là phải xác định xem nhãn hiệu trùng hoặc tương tự:

• có được đăng ký cho hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc có liên quan hay không
• có là đối tượng của một đơn đã nộp hoặc là một đăng ký đang còn hiệu lực hay không
Nếu nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhưng đăng ký cho hàng hóa/hoặc dịch vụ không liên quan, bạn có thể quyết định tiếp tục đăng ký. Tương tự, nếu nhãn hiệu là đối tượng của đơn đã bị từ chối hoặc của đăng ký đã hết hiệu lực, bạn cũng có thể tiếp tục quá trình đăng ký.
Tất nhiên, bạn cũng có thể chọn tiếp tục quá trình nộp đơn của mình ngay cả khi có đơn đăng ký trước đó hoặc nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc có liên quan tại một Bên tham gia. Bạn nên lưu ý rằng trong trường hợp như vậy, Cơ quan SHTT của Bên tham gia được chỉ định có thể ra thông báo từ chối tạm thời (provisional refusal) trên cơ sở nhãn hiệu của bạn xung đột với nhãn hiệu đang chờ thẩm định hoặc đã được bảo hộ. Có một số cách để vượt qua các từ chối loại này, tuy nhiên, có thể cần phải thông qua một đại diện sở tại của Bên tham gia để trả lời thông báo từ chối tạm thời này.
Lưu ý – Nếu bạn cần hỗ trợ để tra cứu trước khi nộp đơn hoặc tư vấn về các chiến lược nộp đơn để tránh xung đột với các nhãn hiệu đã tồn tại, bạn có thể tham khảo luật sư nhãn hiệu, đại diện hoặc chuyên gia pháp lý tại quốc gia của bạn hoặc quốc gia có liên quan. Cơ quan SHTT quốc gia/khu vực (National/regional IP Offices) thường công bố danh sách các luật sư đã đăng ký.

– Tra cứu trước khi nộp đơn:  Liên kết tham khảo
    • How to file an application
    • How to manage a registration
    • Guide to the International Registration of Marks under the Madrid Agreement and Madrid Protocol
    • Global Brand Database
    • Madrid Monitor
    • Members

Nguồn: https://www.wipo.int/madrid/en/how_to/search/

Nguyễn Hải Phong (dịch và biên soạn)