Trong những năm 2003 – 2005, Công an tỉnh Cà Mau điều tra vụ án, đề nghị Viện KSND tỉnh phê chuẩn quyết định khởi tố hai ông Chiêu, Ngưỡng và đồng bọn có hành vi gian lận hóa đơn giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế và chỉ đạo sản xuất hàng xuất khẩu kém chất lượng, gây thiệt hại hàng chục ngàn USD. Tuy nhiên, khi ấy ông Trần Công Lộc, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã gây khó khăn cho công tác điều tra: Hai lần yêu cầu “điều tra bổ sung”, tổ chức “xin ý kiến” Ủy ban Kiểm sát Viện KSND tỉnh, rồi lại “xin ý kiến” Viện KSND Tối cao… Vụ án được đưa ra xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Một số cán bộ Cty đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc; riêng ông Nguyễn Tín Ngưỡng từ một bị can có vai trò chủ mưu, cầm đầu trở thành người chỉ… “liên quan” trong vụ án (?) do ông Trần Công Lộc “nhiệt tình đề xuất” cấp trên, dẫn đến việc ngày 25/10/2005, ông Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau ký công văn… “đồng ý”. Ngay sau đó, ông Trần Công Lộc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Tín Ngưỡng.
Ngày 21/8/2007, Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương kháng nghị bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM; đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy án hình sự phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau để điều tra lại theo thủ tục chung. CSĐT tỉnh điều tra lại vụ án, ngày 9/4/2008, đã bắt tạm giam hai ông Trần Quang Chiêu và Nguyễn Tín Ngưỡng.
Ý kiến của chúng tôi
1. Đình chỉ điều tra đối với một người có vai trò “chủ mưu, cầm đầu”! Ở vụ án này, rõ ràng đã có lúc pháp luật bị vô hiệu hóa, chịu “khuất phục” trước sự can thiệp của ông Bí thư Tỉnh ủy! “Thành công” của sự can thiệp đó đồng nghĩa với việc “quý viện” ở địa phương vi phạm nguyên tắc quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức Viện KSND rằng, cơ quan này “có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế XHCN”.
2. Chấp nhận kháng nghị, ngày 10/12/2007, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao nhận định: Hành vi của ông Nguyễn Tín Ngưỡng là phạm tội, việc Viện KSND tỉnh Cà Mau không truy tố ông Nguyễn Tín Ngưỡng là bỏ lọt tội phạm, và quyết định “hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại”.
Cơ sở pháp lý để Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đưa ra nhận định và quyết định nêu trên là Điều 273: “Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” và Điều 287 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Điều tra lại vụ án sau khi Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án”.
3. CSĐT Công an tỉnh Cà Mau “điều tra lại” và ngày 9/4/2008, đã ra lệnh bắt tạm giam ông Ngưỡng. Kể từ đây, hoạt động của Viện KSND trong vụ án mới thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc “công minh” quy định tại Điều 3, Bộ luật Hình sự.
4. Việc xử lý đối với người vi phạm sẽ được cơ quan có thẩm quyền căn cứ động cơ, tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, quyết định. Hành vi “bỏ lọt tội phạm” của ông Trần Công Lộc được cơ quan điều tra đánh giá là “cố ý” cùng với việc gần đây ông bị khai trừ Đảng cho thấy tính chất vi phạm do ông gây ra là nghiêm trọng.
5. Cơ quan điều tra đề nghị xem xét hành vi vi phạm của ông Trần Công Lộc để xử lý nghiêm nhằm góp phần xây dựng đội ngũ những người làm kiểm sát “có phẩm chất tốt, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực” phù hợp quy định tại Điều 43 Luật Tổ chức Viện KSND.
Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=13508