Ông Hưng đã thận trọng nhờ luật gia tư vấn pháp luật và được giải đáp rằng, việc sửa chữa nhà cấp 4 thuộc trường hợp “xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai”. Đối với trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền không tiến hành cưỡng chế mà “lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng”  (GPXD) là phù hợp quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ đối với những công trình xây dựng không có GPXD nhưng đủ điều kiện để cấp GPXD.

Ông Hưng cho biết đã xin phép chính quyền, song hàng tháng trời sau đó vẫn không nhận được hồi âm.

Sau khi hoàn thành “sửa chữa bên trong nhà ở”, ông Lê Đức Hưng nhận được Quyết định của UBND TP Hải Dương: Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, phạt tiền và yêu cầu ông phải “tự tháo dỡ” công trình. Trong khi đó, ông Đào Đức Hùng cũng “sửa chữa bên trong nhà ở” như ông Lê Đức Hưng thì không hề bị chính quyền gây khó dễ!

Theo chúng tôi, nếu sự việc đúng như ông Hưng trình bày (rằng ông bị chính quyền xử lý, còn ông Hùng thì… không) trong trường hợp hành vi vi phạm của hai vị là “như nhau” và đều xảy ra khi Luật Xây dựng đã có hiệu lực, thì cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm nguyên tắc xử phạt hành chính quy định tại khoản 1 Điều 3 của chính Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, rằng: “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay”. Vậy tại sao UBND TP Hải Dương chỉ xử lý… “mỗi” ông Hưng mà… “tha” cho ông Hùng?

Tuy nhiên, cả hai ông Đào Đức Hùng, Lê Đức Hưng đều không “xây dựng mới” nhà ở, mà chỉ “sửa chữa, cải tạo bên trong” nhà cấp 4 “không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình” nên căn cứ quy định tại mục đ, khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng, họ không cần phải xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng.

Như vậy, việc chính quyền “tha” cho ông Đào Đức Hùng là không trái pháp luật.

Từ đó, chúng tôi đề nghị UBND TP Hải Dương xem xét lại Quyết định phạt tiền và buộc “tự tháo dỡ” công trình đối với ông Lê Đức Hưng vì, xin được nhắc lại, pháp luật về xây dựng (mục đ, khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng) cho phép người dân không phải xin GPXD trước khi khởi công trong trường hợp họ chỉ “sửa chữa, cải tạo bên trong nhà đang ở không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình”.

Chưa hết, làm như vậy cũng tức là để bảo đảm “công bằng” (giữa hai ông Hưng – Hùng) trong hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN