Ngày 22/8/2002, bà Tươm cho 2 con là Trần Anh Tuấn và Trần Đức Tuân, mỗi người 77 m2 đất cùng nhà cấp 4 và tài sản nằm trên đất. Thủ tục chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) được UBND phường xác nhận và Phòng Nông nghiệp – Địa chính thị xã Hưng Yên thẩm định hồ sơ. Ngày 11/11/2002, Ban Giải phóng mặt bằng dự án cầu Yên Lệnh căn cứ hồ sơ chuyển QSDĐ, biên bản kiểm kê đất và tài sản trên đất của 2 anh Trần Anh Tuấn và Trần Đức Tuân, lập phương án đền bù.
Ngày 21/11/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định 2769/QĐ-UB thu hồi đất để thực hiện dự án, trong đó có đất ở của bà Tươm và 2 con (Tuấn, Tuân). Tuy nhiên, có một tình tiết mới xuất hiện: Đất đã bị thu hồi, nhưng ngày 16/1/2003, UBND thị xã Hưng Yên vẫn ra Quyết định 27/QĐ-UB cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho 2 anh Trần Anh Tuấn (77 m2), Trần Đức Tuân (77 m2). Tiếp đó, khi giao đất tái định cư (TĐC), căn cứ Thông báo số 241/TB-UB ngày 26/12/2002 của UBND tỉnh Hưng Yên về “cơ chế đền bù đất đổi đất”, UBND tỉnh quyết định đền bù TĐC cho gia đình bà Tươm: 1 lô; anh Tuấn, Tuân: 2 lô. Nhưng khi họ làm nhà ở tại địa điểm TĐC khoảng 1 tháng thì UBND phường yêu cầu tạm dừng xây dựng. Gia đình bà Tươm chỉ xây 1 tầng và hoàn thiện để ở. Ngày 1/11/2004, cán bộ phường mang các Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ và thu hồi 2 lô đất đã xây nhà kiên cố của 2 con bà Tươm ở nơi TĐC đã được UBND tỉnh Quyết định phê duyệt tại Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày 26/6/2003.
Việc làm nêu trên có đúng quy định của pháp luật không?
Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI
Ngày 21/11/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định 2769/QĐ-UB thu hồi đất ở mà bà Tươm được cấp năm 1979 (trong đó có 2 mảnh đất bà chuyển quyền sử dụng cho hai con), nhưng ngày 16/1/2003, UBND thị xã Hưng Yên vẫn ra Quyết định số 27/QĐ-UB cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các anh Trần Anh Tuấn, Trần Đức Tuân chứng tỏ có sơ suất trong hoạt động quản lý Nhà nước, nên việc thu hồi 2 Giấy chứng nhận QSDĐ là cần thiết; tuy nhiên, việc thu hồi này không liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Quyết định thu hồi đất TĐC mà đất ấy đủ điều kiện để được bồi thường, TĐC theo quy định của pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho 2 anh Trần Anh Tuấn, Trần Đức Tuân là không có cơ sở, vì trong trường hợp này, pháp luật không buộc người bị thu hồi đất phải có Giấy chứng nhận QSDĐ mới được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Được UBND huyện Kim Thi cấp đất ở từ năm 1979 tức là “có quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, nên căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 17/1999/NĐ-CP của Chính phủ “Về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế QSDĐ và thế chấp, góp vốn bằng giá trị QSDĐ”, bà Đặng Thị Anh Tươm có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng QSDĐ. Ngày 22/8/2002, bà Tươm tiến hành thủ tục chuyển QSD 2 mảnh đất và tài sản gắn liền với đất cho 2 con, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, thẩm định, là phù hợp quy định mới của Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và Luật Đất đai 1993, 2003; theo đó, quy định cũ (trước ngày 15/10/1993) không cho phép chuyển nhượng QSDĐ (bán đất) hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày 26/6/2003 của UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt danh sách những người được giao đất TĐC (trong đó có 2 anh Tuấn, Tuân) là phù hợp quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP về “điều kiện để được đền bù thiệt hại về đất”, bởi 2 anh có “giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của pháp luật” (khoản 3, Điều 6).
Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN