Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) là một báo cáo thường niên do Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF) thực hiện, xuất bản lần đầu vào năm 1979, nghiên cứu và xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh (NLCT) của các quốc gia.

Thời gian đầu, báo cáo nhằm mục tiêu đưa ra các vấn đề và thúc đẩy thảo luận giữa các bên có liên quan về chiến lược và chính sách để giúp các quốc gia khắc phục các trở ngại và cải thiện NLCT. Từ năm 2005, WEF sử dụng Chỉ số NLCT toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI) như một công cụ để đo lường các lợi thế tự nhiên, yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới NLCT quốc gia. Đến năm 2017, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, tổ chức này điều chỉnh cách tiếp cận và sử dụng chỉ số NLCT toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) thay cho chỉ số GCI. Chỉ số này cung cấp thông tin khách quan cho phép các nhà lãnh đạo từ khu vực công và tư nhân hiểu rõ hơn các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Việt Nam được WEF đánh giá và xếp hạng trong báo cáo này. Theo đó, 114 chỉ số đo lường NLCT quốc gia (GCI) và sau này là 98 chỉ số đo lường NLCT 4.0 được khảo sát và tính toán cho Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo này tính điểm và xếp hạng NLCT cho các nền kinh tế chủ yếu dựa trên cảm nhận của lãnh đạo các doanh nghiệp, đánh giá của chuyên gia, nhưng không thể hiện và lý giải được nguyên nhân của những chỉ số tốt, chỉ số kém hoặc giảm điểm, giảm bậc về NLCT; bởi vậy việc nhận diện được các giải pháp liên quan là một thách thức.

Báo cáo GCI này nghiên cứu và xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới NLCT của các quốc gia dựa trên các nhân tố nền tảng, gồm: (1) Các lợi thế tự nhiên, (2) NLCT vĩ mô và (3) NLCT vi mô. Từ năm 2005, WEF công bố chỉ số NLCT toàn cầu (GCI). WEF sử dụng chỉ số này như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới NLCT quốc gia; những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng này cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để tính chỉ số GCI, WEF sử dụng biến phụ thuộc là GDP bình quân đầu người (tính theo ngang giá sức mua). GDP bình quân đầu người là công cụ đo lường rộng nhất về năng suất của một quốc gia và có mối quan hệ mạnh theo thời gian với mức sống. Đây là đại lượng đo lường đơn lẻ bao quát nhất về hiệu quả của một quốc gia so với các nước khác. Tuy vậy, GDP bình quân đầu người phản ánh cả nguồn lực tự nhiên (sự thịnh vượng tự nhiên của quốc gia – inherited prosperity), chứ không chỉ năng suất trong việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên đó (sự thịnh vượng được tạo ra – created prosperity).

WEF nhóm các nhân tố thành từng loại khác nhau, phản ánh các cơ chế ảnh hưởng khác nhau. Các nhóm chỉ số được tổ chức theo 6 cấp độ. Chỉ số GCI được tính trên cơ sở bình quân gia quyền của các chỉ số thành phần khác nhau; mỗi chỉ số thành phần đo lường các khía cạnh khác nhau của NLCT. Chỉ số GCI được tính dựa trên 114 chỉ số nhỏ thuộc 12 trụ cột (xếp vào 3 nhóm), với mỗi cột trụ đại diện cho một khu vực được coi như là một yếu tố quyết định của NLCT. Các trụ cột không phải là những chỉ số độc lập mà có tác động ảnh hưởng lẫn nhau, chẳng hạn như cải cách (yếu kém) trong lĩnh vực này ảnh hưởng tích cực (tiêu cực) tới lĩnh vực khác. 

Tài liệu tham khảo

1. WEF (2012), Global Competitiveness Report 2012-2013

2. Vị thế, yếu tố cản trở và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam, Nguyễn Minh Thảo, Luận án Tiến sĩ kinh tế, 2020

Tổng hợp: Lê Thị Quỳnh Hoa – Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp

Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam