Án treo và điều kiện để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự   |  

2. Hiện đang có tình trạng khá phổ biến: Người phạm tội cố ý gây thương tích và gia đình họ tự nguyện bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bằng tiền, nhưng phía nạn nhân kiên quyết không nhận, nói rằng để tòa án xử nghiêm. Trong trường hợp này, người phạm tội có được tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Nguyễn Thị Hằng, Khoa Luật- trường Đại học Khoa học Huế

Trả lời:

Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự quy định: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm”.

VKSND tỉnh Lâm Đồng kháng nghị yêu cầu TAND tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo Hoàng Ngọc Xương được hưởng án treo là phù hợp quy định của pháp luật, bởi vì bằng việc cho bị cáo được hưởng án treo qua xét xử sơ thẩm, TAND huyện Đức Trọng đã làm trái một số hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Tại Nghị quyết số 01/2007/NQ- HĐTP, TAND Tối cao hướng dẫn: Để được hưởng án treo, người bị xử phạt tù phải “có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự” trong khi bị cáo Hoàng Ngọc Xương trước đó đã có tới hai tiền án về tội đánh bạc.

Chưa hết, vào thời điểm đang bị khởi tố điều tra về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc, tranh thủ thời gian được tại ngoại, Xương “vẫn tiếp tục lao vào canh bạc đỏ đen”, tức tự mình chuốc thêm 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự (phạm tội nhiều lần, tái phạm). Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao còn quy định: Để được hưởng án treo, người bị xử phạt tù phải “có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên”, trong khi đó, bị cáo Xương chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” (tình tiết này được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự).

Về câu hỏi thứ hai, về mặt tâm lý, do bức xúc, người bị hại hoặc gia đình của họ từ chối nhận tiền bồi thường từ phía người phạm tội, là điều có thể hiểu được, và tình huống này đã được pháp luật tính đến. Theo đó, điểm b, khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội “tự nguyện bồi thường thiệt hại” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người bị hại hoặc người đại diện của họ từ chối nhận tiền bồi thường thì căn cứ Nghị quyết số 01/2006/NQ/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên có thể chọn một trong hai cách ứng xử sau đây:

Cách thứ nhất: Giao số tiền đó cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

Cách thứ hai: Xuất trình chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
Đăng trên báo Kinh tế hợp tác Việt Nam