Chỉ xử phạt hành chính khi hành vi vi phạm đã hoàn thành   |  

Trong quá trình kinh doanh, vợ tôi kê khai với cơ quan có thẩm quyền và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Ngày 17/3/2008, khi vợ tôi sử dụng xe ô tô vận chuyển một số mặt hàng gồm vải, quần áo, giầy dép, túi xách, thắt lưng… từ TP Hạ Long đi Hà Nội thì bị công an tỉnh Hải Dương bắt giữ. Ngày 20/3/2008 (tức 3 ngày sau), tại trụ sở Công an tỉnh Hải Dương, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thương mại về hành vi “kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh”. Trong biên bản ghi vợ tôi sử dụng xe ô tô vận chuyển hàng “đi Hà Nội bán”. Tuy nhiên, cơ quan công an chỉ lập “Biên bản VPHC” mà từ đó đến nay, không thấy họ ra quyết định xử phạt đối với hành vi “kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh” mặc dù vợ tôi đã ký tên vào biên bản ấy.

Việc làm nêu trên của công an tỉnh Hải Dương có đúng pháp luật không?
(Nguyễn Tiến Dũng, Tổ 1, khu 10, xã Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
Luật gia Nguyễn Chấn trao đổi ý kiến với ông như sau:

Căn cứ Điều 60 Nghị định của Chính phủ số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại thì Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi vi phạm trong vụ việc này.

Lập “Biên bản VPHC” và ra “Quyết định xử phạt VPHC” là hai việc khác nhau. “Biên bản VPHC” do cơ quan công an lập ghi vợ ông sử dụng xe ô tô vận chuyển hàng “đi Hà Nội bán”, có nghĩa là ở thời điểm hàng bị giữ tại Hải Dương, việc “bán hàng” đang còn là “dự kiến”, “ý định”… của vợ ông; thực tế, việc đó chưa xảy ra nên cơ quan công an không ra “Quyết định xử phạt VPHC” là đúng rồi, vì theo khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Xử lý VPHC, về nguyên tắc, chỉ xử phạt VPHC đối với “hành vi” vi phạm. Nếu việc vi phạm chưa thể hiện bằng “hành vi” (đã hoàn thành) mà mới chỉ xuất hiện trong…“dự kiến”, “ý định”… thì không đủ cơ sở để người có thẩm quyền ra “Quyết định xử phạt VPHC” đối với đương sự. Ngược lại, nếu hành vi vi phạm đã đủ yếu tố để xử phạt mà người có thẩm quyền không ban hành “Quyết định xử phạt VPHC” thì bản thân “ông ta” trở thành… “người vi phạm” và đương nhiên, sẽ bị chế tài theo quy định tại Điều 121 Pháp lệnh Xử lý VPHC: “Người có thẩm quyền xử lý VPHC mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Vải, quần áo, giầy dép, túi xách, thắt lưng… không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hoá, để không gây cản trở cho hoạt động kinh doanh bình thường của người dân, cơ quan có thẩm quyền nên nhắc nhở họ: Trước khi đem bán ra thị trường những mặt hàng ấy, phải tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=17516