Chồng ham “của lạ” xử lý ra sao?   |  

Sau nhiều cuộc hòa giải, chiều 13/1/2009, tại Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Buôn Ma Thuột, cô giáo T đã chấp nhận bồi thường 8 triệu đồng cho bà H, tình nhân của chồng mình. Sau khi nhận tiền bồi thường, bà H viết bản cam đoan không tiếp tục thưa kiện nữa. Ông bà L – H quan hệ “bồ bịch” với nhau sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao về việc làm của họ? Lê Thị Mỹ Doan, Kim Động, Hưng Yên

Ý kiến của chúng tôi
1. Hành vi của cô giáo T có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo điều luật, người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên mới đủ yếu tố để khởi tố hình sự đối với người phạm tội. Bà H chỉ bị tổn hại sức khỏe 10%, nhưng cô T – người gây ra sự việc đó đã sử dụng “vật nhọn” là “phương tiện nguy hiểm” đâm bà H, nên căn cứ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, Cơ quan điều tra có cơ sở để khởi tố cô T theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS.

Nhưng, Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: Đối với tội phạm quy định tại Điều 104 BLHS, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án “khi có yêu cầu của người bị hại” (khoản 1 Điều 105). Sau khi hòa giải và nhận tiền bồi thường, bà H (người bị hại) cam đoan “không tiếp tục thưa kiện nữa” nên cô T đương nhiên…“thoát tội”!

2. Tuy “thoát tội” hình sự, nhưng là viên chức đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Trường THCS Phạm Hồng Thái), cô giáo T sẽ bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật do đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.

3. Điều 147 BLHS quy định: Người đang có vợ, có chồng “chung sống như vợ chồng với người khác gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà “chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng” thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.

Ngày 25/9/2001, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC giải thích như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”…

4. Mặc dù đã “chung giường”, nhưng căn cứ giải thích nêu trên thì thấy không đủ cơ sở kết luận quan hệ giữa ông L và bà H là… “chung sống như vợ chồng” bởi hai vị chỉ thỉnh thoảng… “ăn vụng” (việc “bại lộ”, ông L bị vợ… “lôi về”) nên chưa thể xử lý hình sự đối với họ.
Ngoài ra, việc “chung sống như vợ chồng” với người khác phải “gây hậu quả nghiêm trọng”, người vi phạm mới bị xử lý hình sự; nếu chưa “gây hậu quả nghiêm trọng” thì chỉ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ với mức phạt từ 100.000 – 500.000 đồng và buộc chấm dứt hành vi vi phạm.

Tóm lại, hành vi “vi phạm chế độ một vợ một chồng” chỉ cấu thành tội phạm khi “hội đủ” cả hai yếu tố: “Chung sống như vợ chồng” và “Gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=14705