Chứng thực hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ   |  

Nào ngờ, khi đất bị thu hồi, mới hay: Mức bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước còn lớn hơn nhiều so với số tiền mà họ được trả từ những người mua đất. Do hiểu biết hạn chế, khi “bán đất”, người dân ký vào một số giấy tờ mà không hề đọc, rồi nhận tiền do người mua trả. Sau đó, người mua đất mượn giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), bản phôtô hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán, nói là “để đi làm thủ tục”.

Sau đó, bên mua đã nhanh chóng được UBND xã chứng thực và được UBND huyện cấp GCNQSDĐ.

Nguyễn Chí Thành, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam

Ý kiến của chúng tôi

1. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải được công chứng tại Phòng Công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Nhà nước cần thiết phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ như vậy vì đất đai không phải là loại “hàng hoá” bình thường. Trong “mua bán” đất đai, đã xảy ra rất nhiều trường hợp một bên lừa đảo hoặc lợi dụng sự hạn chế về hiểu biết pháp luật của phía bên kia để thu lợi bất chính.

2. UBND xã T chứng thực giấy tờ chuyển nhượng đất cho bên nhận chuyển nhượng mà không có mặt bên chuyển nhượng để “ký trước mặt” người chứng thực là việc làm trái quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ về công chứng, chứng thực: “Việc ký của người yêu cầu chứng thực phải được thực hiện trước mặt người thực hiện chứng thực”. Như vậy, bên chuyển nhượng QSDĐ không được phép “ký trước” vào giấy tờ chuyển nhượng.

Tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người SDĐ, liên Bộ Tư pháp – Tài nguyên và Môi trường đã ban hành “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” (mẫu số 37/HĐCN). Ở phần UBND xã chứng thực, Thông tư nêu rõ: “Tại thời điểm chứng thực, các bên đã giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật”. Nhưng, ở tình huống này, tại thời điểm chứng thực không hề có đủ “các bên”, vậy mà UBND xã vẫn chứng thực (?). Người chuyển nhượng (bên A) cũng không được “giao cho một bản chính hợp đồng”(?).

3. Là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, lẽ ra, phải coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người dân hiểu; ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái trong “mua bán” đất đai nhằm thu lời bất chính; yêu cầu các bên tham gia Hợp đồng tuân thủ pháp luật, nhưng UBND xã T không làm như vậy mà vẫn chứng thực văn bản chuyển nhượng đất là “vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và SDĐ” (mục g khoản 1 Điều 175 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ: “Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân”).

Căn cứ quy định tại mục d khoản 2 Điều 175 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, nếu vi phạm chưa đến mức cấu thành tội phạm thì hình thức xử lý kỷ luật đối với hành vi này là “cảnh cáo hoặc hạ ngạch; tái phạm thì bị cách chức hoặc buộc thôi việc”.

Tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, Chính phủ còn quy định người có thẩm quyền công chứng, chứng thực do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái “nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

4. Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, các giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ do UBND xã T chứng thực trong những trường hợp nêu trên không có giá trị pháp lý; đồng thời, do thiếu trách nhiệm trong việc thẩm tra hồ sơ, cơ quan Nhà nước cấp trên (UBND huyện H) đã… “sai theo” khi cấp “sổ đỏ” cho người nhận chuyển nhượng QSDĐ. Theo Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì các GCNQSDĐ đã cấp trái pháp luật cần phải bị thu hồi.

Trong “phi vụ” này, kết luận có hay không có hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, điều tra.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=23018