Hoãn và miễn chấp hành hình phạt tù   |  

Bà Loan đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, được TAND TP Hà Đông cho hoãn chấp hành hình phạt tù trong thời hạn 12 tháng là đúng hay không đúng? Hết thời hạn được hoãn, nếu bà Loan lại tiếp tục có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng thì có còn được hoãn chấp hành hình phạt tù nữa không? Có trường hợp nào người bị kết án được miễn hoàn toàn việc phải chấp hành hình phạt tù không? Nếu được, ai có thẩm quyền quyết định?

Ý kiến của chúng tôi
I. Bà Loan không kháng cáo nên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sau 15 ngày kể từ 13/9/2007 là ngày Tòa tuyên án (Điều 234, Điều 240 Bộ luật Tố tụng Hình sự).

Ngày 2/10/2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt” như sau: “Người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi”.

Bà Loan sinh con gái ngày 1/2/2008. Theo hướng dẫn nêu trên, bà Loan được hoãn chấp hành hình phạt tù để nuôi con nhỏ cho đến ngày 1/2/2011 khi cháu bé được 36 tháng tuổi. Nhưng, tại Quyết định số 04/2008/QĐ-CA ngày 5/12/2008, Chánh án TAND TP Hà Đông chỉ cho phép bà Loan được hoãn chấp hành hình phạt tù trong thời hạn 12 tháng “kể từ ngày ký quyết định” (tức hoãn đến 5/12/2009, khi cháu mới được 22 tháng tuổi) là không đúng, cần phải được điều chỉnh lại để bảo đảm quyền hợp pháp của người bị kết án.

II. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt tù trong những trường hợp sau:
1. Khi hết thời hạn thi hành bản án thì “người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên” (khoản 1, Điều 55 BLHS).
Bà Hoàng Kim Loan bị xử phạt 15 tháng tù giam thuộc “tội phạm ít nghiêm trọng”. Đối với người bị xử phạt tù từ 3 năm trở xuống (tội phạm ít nghiêm trọng), thời hiệu thi hành bản án là 5 năm tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (khoản 2, khoản 3 Điều 55 BLHS). Khi hết thời hạn đó thì người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên, cũng có nghĩa là được miễn chấp hành hình phạt tù (ngoại trừ trường hợp phạm tội mới hoặc trốn tránh đã có lệnh truy nã). Tuy nhiên, BLHS quy định “không áp dụng thời hiệu thi hành bản án” đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này (Điều 56).

2. Người bị kết án có thể được miễn chấp hành hình phạt tù khi được đặc xá hoặc đại xá (khoản 2 Điều 57 BLHS).

3. Đối với người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, nếu trong thời gian được hoãn “đã lập công” thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt tù (khoản 3 Điều 57 BLHS).
Căn cứ hướng dẫn tại tiểu mục 2.2, mục 2 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: “Đã lập công” là trường hợp “lập công lớn” hoặc người bị kết án “có thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận”.

III. Chánh án TAND cấp huyện (TP Hà Đông) có quyền cho hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng không có quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định TAND cấp tỉnh (như TAND TP Hà Nội) mới có thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù (khoản 1 Điều 269).

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=14439