Kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật   |  

Lúc ấy, tuy không có hợp đồng bằng văn bản nhưng đã có thông báo của lâm trường về việc này cho toàn dân quanh hồ biết. Vợ chồng tôi thuê công nhân, máy ủi, máy cuốc, đã bơm cạn nước, nạo vét lòng hồ, đào gốc cây, lấp hố bom, phá ụ mối, san phẳng lòng hồ, dọn chà, đắp đập… Sau mấy năm cải tạo, đắp đê chắn nước và nâng cấp toàn bộ hồ nước thì diện tích mặt hồ từ lúc đầu chỉ là 10 ha trở thành 27 ha.

Ngày 1/5/1995, tôi và lâm trường Mã Đà ký hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm có thời hạn 20 năm, thống nhất hết 5 năm thì bàn bạc lại với nhau về giá cả thuê cho phù hợp. Sau khi ký hợp đồng, tôi thả cá được 3 năm chưa kịp thu hoạch thì ngày 12/6/2000, lâm trường mời vợ tôi (người không tham gia ký hợp đồng, không được tôi uỷ quyền) tới thanh lý hợp đồng để cho người khác thuê. Như vậy, lâm trường tự ý chấm dứt hợp đồng trong khi vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.

Năm 2003, lâm trường Mã Đà giải thể, nhường toàn bộ diện tích mặt nước hồ và cảnh quan xung quanh cho Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (gọi tắt là Khu bảo tồn). Vợ chồng tôi nhiều năm yêu cầu lâm trường và Khu bảo tồn bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi của lâm trường gây ra, nhưng không được giải quyết nên phải đưa vụ việc ra 2 cấp Toà án xét xử.

TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Khu bảo tồn bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi 630.000.000 đồng, trong khi chúng tôi đã cung cấp đầy đủ chứng cứ cho thấy thiệt hại lâm trường gây ra là 70.143.950.000 đồng, trong đó riêng thiệt hại hơn 2.400 tấn cá nuôi nhưng không được thu hoạch đã là 35.964.062.180 đồng. Hiện tại gia đình tôi nợ nần chồng chất, mất khả năng thanh toán. Tôi cần làm gì để đòi lại sự công bằng?

Trần Hữu Sỹ (ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI

1. Việc bồi thường thiệt hại cần thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng mà hai bên đã ký. Trường hợp hợp đồng không có điều khoản quy định vấn đề này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý “thì phải bồi thường” (khoản 1 Điều 604), và “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời” (khoản 1 Điều 605).

Cho dù chỉ “chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn”, Toà án buộc Khu bảo tồn bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông 630.000.000 đồng tức là Toà phúc thẩm đã thừa nhận lâm trường Mã Đà tự ý chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật và lỗi trong thực hiện hợp đồng thuộc về lâm trường này (mà Khu bảo tồn là pháp nhân thay thế, có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ phù hợp quy định của pháp luật).

2. Án phúc thẩm đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu nhận thấy khoản bồi thường mà Khu bảo tồn, theo bản án, phải trả cho vợ chồng ông là không đúng quy định của pháp luật, ông có thể gửi đơn đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

3. Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình “phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”.

Theo trình bày, ông bà “đã cung cấp đầy đủ chứng cứ”, nhưng Toà án vẫn không chấp nhận. Vấn đề này sẽ được những người có thẩm quyền xem xét trước khi đi đến quyết định có kháng nghị hay không kháng nghị đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật.

 Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: “Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” (Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN