Khi cơ quan xét xử trưng cầu giám định   |  

Ngày 15/4/1992, việc chuyển nhượng đất, nhà diễn ra, có mặt cụ ông Nguyễn Văn Cù, cụ bà Vũ Thị Diện (mất năm 2000), gia đình ông Huân, vợ chồng ông Nhật và ông Nguyễn Văn Dám (con cả của 2 cụ). Ông Dám cũng chính là người viết biên bản chuyển nhượng đất, nhà từ cụ Nguyễn Văn Cù sang tên cho cháu nội Nguyễn Văn Thành (con trai ông bà Nguyễn Văn Nhật – Nguyễn Thị Khá). Biên bản được viết bằng mực đỏ có các chữ ký của cụ Cù, bà Khá (vợ ông Nhật), chữ ký của ông Huân và chữ ký của ông Dám. Sau đó, vợ chồng ông bà Nhật – Khá chuyển về mảnh đất này, tiếp tục cải tạo, xây dựng nhà ở, tính đến 2007 đã được 16 năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước, không tranh chấp, không có ai phản đối.

Tuy nhiên, năm 2007, đã xảy ra tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa một bên gồm những người con khác của 2 cụ Nguyễn Văn Cù – Vũ Thị Diện với ông bà Nguyễn Văn Nhật – Nguyễn Thị Khá. Lúc này, ông Nguyễn Văn Dám… “nói lại” với Toà án rằng, ông “không viết và không ký biên bản chuyển nhượng đất”, dẫn đến việc cơ quan xét xử phải trưng cầu giám định từ Phòng Khoa học hình sự Công an tỉnh. Kết luận giám định cho thấy, mẫu chữ ký và chữ viết phù hợp với chữ của ông Dám trong biên bản chuyển nhượng đất. Ông Dám không có ý kiến gì về kết luận giám định của cơ quan công an.

Ý kiến của chúng tôi

1. Trước đây, ông Nguyễn Văn Dám nói “không viết và không ký biên bản chuyển nhượng đất” nhưng sau đó lại… “không có ý kiến gì” về kết luận giám định, tức là ông Dám đã buộc phải “tâm phục khẩu phục” sự khách quan và công tâm của cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời chứng tỏ việc chuyển nhượng QSDĐ là có thật và một trong những người tham gia tố tụng trong vụ kiện này đã vi phạm nguyên tắc “thiện chí” và “trung thực” quy định tại Điều 6 Bộ luật Dân sự. Đặc biệt, kết quả giám định chữ ký từ cơ quan công an đã tạo thuận lợi để Toà án đánh giá đúng bản chất vụ kiện.

2. Việc chuyển nhượng 9 thước đất (246 m2) diễn ra vào tháng 4/1992, tức trước ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực, đồng thời giao dịch chuyển nhượng QSDĐ đã được thực hiện 16 năm (từ 1992 – 2007), không tranh chấp với ai, cũng không có ai phản đối khi bên nhận chuyển nhượng đất tiến hành xây dựng, cải tạo nhà ở cho đến ngày xảy ra vụ kiện.

Pháp luật giai đoạn trước ngày 15/10/1993 nghiêm cấm việc mua, bán, chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với giao dịch chuyển QSDĐ xác lập trước ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực mà bị vô hiệu, Nhà nước ta có những quy định riêng. Theo đó, tại Nghị quyết số 02/2004/QĐ-HĐTP, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Nếu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã được thực hiện thì Tòa án công nhận hợp đồng trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng QSDĐ “đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối khi bên nhận chuyển QSDĐ xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất kinh doanh trên đất đó”.

3. Khác với tình hình hai, ba mươi năm về trước, ngày nay, mỗi tấc đất đã thực sự là một “tấc vàng”! Khiếu kiện, tranh chấp QSDĐ xảy ra phổ biến, gay gắt. Trong tình hình đó, thiết nghĩ, nguyên tắc “tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” được nêu tại Điều 8 Bộ luật Dân sự, hơn bao giờ hết, rất cần được các bên có liên quan, kể cả đương sự và cơ quan xét xử quán triệt, đề cao.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=25887