Khi người dân có “giấy tờ về quyền được sử dụng đất”   |  

Về đây sinh sống, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của mình, các hộ phải gia cố phần đất tiếp giáp hồ Hàng Không vốn là hồ đào lấy đất làm gạch. Trên phần đất này, nhiều hộ đã xây dựng các công trình nhà ở từ năm 1991 – 1992. Toàn bộ diện tích đất này cũng đã được UBND phường xác nhận là đất ở. Năm 2002, Tổng Cty Hàng không Việt Nam xây dựng tường rào phân định ranh giới, đã lập văn bản xác nhận không có tranh chấp với các hộ dân ở đây. Cũng trong năm 2002, UBND thị trấn Gia Lâm hướng dẫn các hộ kê khai hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); hồ sơ sau đó đã được chuyển lên UBND huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, đến nay, 20 hộ vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ, trong khi 2 hộ ở 2 đầu dãy (1 hộ có cùng nguồn gốc đất và 1 hộ khác tự san lấp vào năm 2000) đã được cấp. Mặt khác, thời gian qua, UBND phường ra thông báo yêu cầu các hộ bàn giao mặt bằng (phần đất giáp hồ Hàng Không) để thực hiện dự án (D.A) làm tuyến đường nội bộ. UBND phường cho rằng, phần đất mà các hộ gia cố, tôn tạo, sử dụng là “đất công” nên tháng 3/2009, đã lập biên bản và ban hành các quyết định xử phạt hành chính về hành vi “lấn đất” (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 182/2004/NĐ-CP), buộc “khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm”.

Ý kiến của chúng tôi :

Khu đất được cơ quan có thẩm quyền cấp năm 1991 thuộc trường hợp “có giấy tờ về quyền được SDĐ trước 15/10/1993” nên người sử dụng được cấp GCNQSDĐ theo điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003. Sự việc chính đáng này được “khởi động” từ năm 2002 mà đến nay, đã 8 năm qua đi, họ vẫn chưa được nhận “sổ đỏ”, là điều thật khó chấp nhận trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, nhất là “tình huống trì trệ” này lại xảy ra ngay tại Thủ đô Hà Nội. Sự chậm trễ càng đáng chê trách hơn khi mà hầu như tất cả các “vướng mắc pháp lý” trong việc cấp GCNQSDĐ đã được Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ tháo gỡ.

Đối với việc phải gia cố phần đất tiếp giáp hồ Hàng Không dẫn đến có sự chênh lệch giữa số liệu diện tích đo đạc thực tế với số liệu diện tích đã ghi trên giấy tờ về QSDĐ.

Ở tình huống này, việc cấp GCNQSDĐ thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định 84/2007/NĐ-CP: “Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về QSDĐ, không có tranh chấp với những người SDĐ liền kề mà diện tích đo đạc thực tế khi cấp GCN nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về QSDĐ thì GCN được cấp theo diện tích đo đạc thực tế…”.

Khoản 1 Điều 80 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đều quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có quy định hiệu lực trở về trước, thì áp dụng theo quy định đó”. Nghị định 182/2004/NĐ-CP cuối năm 2004 mới có hiệu lực thi hành, không hề quy định “hiệu lực trở về trước” nên UBND phường Gia Thụy ban hành các quyết định xử phạt hành chính, áp dụng chế tài của Nghị định 182/2004/NĐ-CP đối với “vi phạm” của người SDĐ xảy ra trước ngày Nghị định có hiệu lực là sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật dẫn đến việc UBND quận Long Biên “sai theo” khi ra các quyết định trái pháp luật thu hồi phần đất được người dân gia cố, tôn tạo từ những năm 1991 – 1992 (trái với quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP: Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn, chiếm “kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau”.

Các hộ dân có lý khi cho rằng, D.A đường nội bộ nên được làm ở phần đất ngoài hàng rào (ngăn cách phần đất họ sử dụng từ năm 1991) là đất lầy, hoang hoá (“đất chưa sử dụng”) để việc thu hồi đất phù hợp quy định tại Điều 38 Luật Đất đai 2003, tránh gây thiệt hại không đáng có cho người dân và Nhà nước. Về phía dân, cuộc sống không bị “xáo trộn”, còn Nhà nước thì không phải chi một khoản tiền lớn để bồi thường (theo khoản 3 Điều 47 Nghị định 84/2007/NĐ-CP).

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=30101