Khi nguyên tắc “kịp thời” trong xử lý tham nhũng bị vi phạm!   |  

Theo nội dung đơn TC: Tổ kiểm tra nhân dân đã phát hiện trong quá trình thực hiện dự án đường giao thông nông thôn thôn Cao Xá theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một số người có trách nhiệm đã cố tình làm trái để tham nhũng tiền nhân khẩu đóng góp; tiền bán đất, bán ao sử dụng không đúng mục đích; nhiều khoản chi không công khai cho dân biết; sử dụng vật liệu trong xây dựng không đúng dự toán; nghiệm thu công trình sai nguyên tắc; đưa nguyên liệu làm đường sang xây đình mới mặc dù kinh phí làm đình là một khoản khác do dân đóng góp. Do kinh phí làm đường bị “rút ruột” nên chất lượng kém, nứt, vỡ, hỏng mặt, trơ đá; còn đình mới xây cũng “bị mòn phần ở sân, ở cột và đã bị long vỡ…”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này đã gần 5 tháng, vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ” mặc dù sau đó, vào các ngày 17/8, 18/9, 15/10/2009 UBND huyện tiếp tục gửi công văn… “đôn đốc”. Công văn ngày 17/8 yêu cầu báo cáo kết quả “trước ngày 30/8”; Công văn ngày 18/9 nói rõ: “Chậm nhất đến ngày 30/9 báo cáo kết quả”; Công văn ngày 15/10/2009 không “chốt” ngày phải báo cáo nữa, mà “phàn nàn”: Đến nay “đã quá thời hạn theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện mà UBND xã Cao An chưa có kết luận…”(?). Gần đây nhất, ngày 4/11/2009, Văn phòng UBND huyện lại ban hành công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND xã Cao An giải quyết đơn TC và báo cáo Chủ tịch UBND huyện… “trước ngày 15/11/2009”(!)

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI

1. Ngày 25/6/2009, UBND huyện Cẩm Giàng chuyển đơn TC tham nhũng đến Chủ tịch UBND xã Cao An nhưng đến 4/11/2009 – tức hơn 120 ngày sau – UBND huyện vẫn tiếp tục… “đôn đốc giải quyết”(?) cho thấy UBND xã Cao An đã vi phạm Điều 67 Luật KN,TC: “Thời hạn giải quyết TC không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết”, đồng thời vi phạm nguyên tắc “kịp thời” quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN): “Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh”.

2. Căn cứ quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Nhà nước vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ “phải bị xử lý kỷ luật” nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2, Điều 6 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP). Việc UBND huyện Cẩm Giàng liên tục ban hành các công văn đôn đốc giải quyết TC (trong đó có công văn ban hành vào thời điểm đã đủ điều kiện xử lý kỷ luật cấp dưới làm sai), nhưng UBND xã vẫn… phớt lờ(?) chứng tỏ ở địa phương này, cấp dưới… “nhờn” với cấp trên; hoạt động chỉ huy, điều hành không có hiệu lực; kỷ cương, kỷ luật hành chính bị xem thường.

3. Khoản 1 Điều 28 Nghị định của Chính phủ số 120/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN nêu rõ: Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN được tiến hành theo “kế hoạch kiểm tra hằng năm” hoặc “kiểm tra đột xuất” khi phát hiện “có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về PCTN”.

Như vậy, dù chưa có “kế hoạch kiểm tra hàng năm”, thiết tưởng, những dấu hiệu làm trái của UBND xã Cao An (không giải quyết TC trong thời hạn luật định, vi phạm nguyên tắc “kịp thời” trong PCTN) đã đủ điều kiện để UBND huyện Cẩm Giàng ra quyết định “kiểm tra đột xuất”; sau đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra mà ban hành kết luận “xử lý cụ thể đối với hành vi vi phạm” theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP.

4. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Tổng Thanh tra về một định hướng quan trọng hoạt động thanh tra năm 2009, đề nghị Thanh tra tỉnh Hải Dương quan tâm tới diễn biến vụ việc này để khi cần thiết, thanh tra trách nhiệm đối với người có thẩm quyền trong giải quyết KN,TC cũng như trong thực hiện pháp luật về PCTN.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=24326