Phòng Công chứng cũng có trách nhiệm   |  

Thì ra, người anh cả của anh Điệp đã đến Phòng Công chứng số 1 TP HCM khai nhận di sản, tự nhận mình là người thừa kế duy nhất. Phòng Công chứng số 1 đã có công văn đề nghị UBND phường 4 niêm yết văn bản khai nhận di sản tại phường trong thời hạn 30 ngày và cử một cán bộ liên hệ với UBND phường để hoàn tất thủ tục niêm yết. Hết hạn niêm yết, Phòng Công chứng số 1 đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản, tạo cơ sở pháp lý cho người anh cả tiến hành thủ tục sang tên đối với căn nhà trên. Sau khi được UBND quận Gò Vấp cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà, người anh cả đã đến Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận để nhận tiền bồi thường.

Phóng viên đã liên hệ với UBND phường 4 để xác minh sự việc, bất ngờ khi biết cơ quan này không nhận được công văn của Phòng Công chứng số 1; việc khai nhận di sản cũng chưa hề được niêm yết công khai tại phường. Đối với thông tin “biên bản niêm yết đã có chữ ký xác nhận của cán bộ tư pháp phường rồi”, ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch UBND phường giải thích: “Đây là hành vi sai phạm của cá nhân người này” và cho rằng, Phòng Công chứng số 1 cũng có phần trách nhiệm khi “vô tư” chấp nhận chữ ký của một người không có thẩm quyền ở phường để làm căn cứ giải quyết hồ sơ khai nhận di sản. Tuy nhiên, ông Từ Dương Tuấn, Phó trưởng Phòng Công chứng số 1 lại nói: “Pháp luật không qui định biên bản niêm yết phải được tổ chức đóng dấu xác nhận nên Phòng không có lý do từ chối nhận biên bản niêm yết chỉ có chữ ký của cán bộ tư pháp”.

Ý kiến của chúng tôi

1. Khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật thay thế, thủ tục về công chứng văn bản khai nhận di sản vẫn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2001/TT-BTP-CC ngày 14/3/2001 của Bộ Tư pháp. Việc khai nhận di sản phải được “niêm yết tại trụ sở UBND phường nơi thường trú trước đây của người để lại di sản”, và cơ quan công chứng “phải cử người trực tiếp niêm yết, có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã”. Nhưng, Phòng Công chứng số 1 không cử người “trực tiếp niêm yết” mà gửi công văn và cử một cán bộ “liên hệ với UBND phường…” dẫn đến việc khai nhận di sản “chưa hề được niêm yết công khai tại phường”.

Như vậy, Bộ Tư pháp hướng dẫn “một đằng”, Phòng Công chứng số 1 lại thực hiện “một nẻo” thì làm sao có thể nói là … “không sai” được?

2. Về ý kiến “tự bảo vệ” của ông Từ Dương Tuấn, Phó trưởng Phòng Công chứng số 1: “Pháp luật không qui định biên bản niêm yết phải được tổ chức đóng dấu xác nhận nên Phòng không có lý do từ chối nhận biên bản niêm yết chỉ có chữ ký của cán bộ tư pháp”:

Người ta thường hiểu rằng pháp luật “không cấm” làm một việc nào đó tức là “được làm” việc ấy, ví dụ: Luật Doanh nghiệp 2005 qui định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm” (khoản 1 Điều 7). Tuy nhiên, cần lưu ý: Qui định vừa nêu được áp dụng trong một lĩnh vực pháp luật cụ thể (như Luật Doanh nghiệp), mà không “áp dụng tương tự” trong lĩnh vực pháp luật cán bộ, công chức (CBCC). Trong vụ này, Phòng Công chứng nhận hồ sơ để “thi hành nhiệm vụ, công vụ” nên phải thực hiện qui định của Pháp lệnh CBCC: “Thi hành nhiệm vụ, công vụ theo đúng qui định của pháp luật” (khoản 2, Điều 6: nghĩa vụ của CBCC).

Pháp luật không qui định Phòng Công chứng nhận biên bản niêm yết mà biên bản ấy chỉ cần chữ ký của cán bộ tư pháp phường (không đóng dấu UBND) để giải quyết hồ sơ khai nhận di sản. Nhưng, Phòng Công chứng vẫn nhận biên bản ấy để giải quyết công việc là không theo đúng qui định của pháp luật, vi phạm nghĩa vụ của CBCC.

3. Theo đó, Chủ tịch UBND phường 4 có lý khi nhận xét: Phòng Công chứng số 1 “có trách nhiệm” trong vụ làm sai này.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=17200