Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên: Đúng pháp luật!   |  

Thực hiện Chỉ thị số 299 của Thủ tướng Chính phủ, những hộ gia đình này đăng ký kê khai lập bản đồ, sổ địa chính, được UBND xã xác nhận và người sử dụng đất đã có tên trong sổ địa chính lập năm 1984. Ở thời điểm này, họ chưa san lấp hết diện tích ao, thùng, vũng được cấp nên khi đo đạc hiện trạng, hình thành 2 thửa đất mang 2 ký hiệu khác nhau: A (đất ao) và T (thổ cư).

Hộ ông Bùi Ngọc Đẩu đăng ký: Thửa số 165, diện tích 405 m2, loại đất T; thửa số 166, diện tích 215 m2, loại đất A.

Hộ ông Nguyễn Kim Cát đăng ký: Thửa số 168: diện tích 270 m2, loại đất T; thửa số 167, diện tích 100 m2, loại đất A.

Hộ ông Lâm Hải Quang đăng ký: Thửa số 171, diện tích 595 m2, loại đất T, thửa số 172, diện tích 285 m2, loại đất A.

Năm 2003 – 2004, khi bị thu hồi đất, họ được UBND tỉnh Hưng Yên bồi thường theo giá đất thổ cư (đất ở). Khác với UBND tỉnh Hưng Yên, có người đưa ra lập luận cho rằng, những hộ này đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo Chỉ thị 299 không chỉ có T (đất thổ cư) mà có cả A (đất ao) nên khi Nhà nước thu hồi đất, phần “đất ao” chỉ được đền bù theo giá “đất nông nghiệp”.

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI

1. Thời điểm áp dụng pháp luật trong tình huống này thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã thực hiện đúng các quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Đây là những hộ được cấp đất ở (thổ cư) là đất có ao, hồ, thùng, vũng từ những năm 1972 -1975 và có tên trong sổ địa chính từ năm 1984 (tức họ đã sử dụng đất trước 8/1/1988 – ngày Luật Đất đai 1987 có hiệu lực thi hành). Điểm a, khoản 6 Điều 6 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP quy định: “Đất đã sử dụng ổn định trước ngày 8/1/1988 được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận” thuộc trường hợp được đền bù về đất.

2. Cho rằng những hộ này đăng ký QSDĐ theo Chỉ thị 299 không chỉ có T (thổ cư) mà có cả A (đất ao) nên khi nhà nước thu hồi đất, phần “đất ao” chỉ được đền bù theo giá “đất nông nghiệp” (hay đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản) là không có cơ sở, vì đất bị thu hồi không phải là đất được giao theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, sẽ không đúng nếu nghĩ rằng bất luận trường hợp nào “đất ao” cũng đều là… “đất nông nghiệp”! Thật vậy, Điều 52 Luật Đất đai năm 1993 giải thích: “Đất khu dân cư nông thôn là đất được xác định chủ yếu để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn. Đất ở của mỗi hộ gia đình nông thôn bao gồm đất để làm nhà ở và các công trình phục vụ cho đời sống của gia đình”. Như vậy, đất khu dân cư nông thôn đương nhiên là đất ở; ngoài mục đích chính để ở, nó còn được sử dụng cho nhiều mục đích phụ khác. Người sử dụng đất ấy có thể đào ao phục vụ cho sinh hoạt, hay lấp ao để xây nhà ở, trồng cây, làm chuồng trại chăn nuôi… là những việc pháp luật không cấm. Thực tế, các hộ đã làm nhà ở ổn định từ trên 30 năm nay cho đến khi giải phóng mặt bằng.

3. Đặc biệt, những hộ này sử dụng đất trước năm 1980, đến năm 1984, có đơn đăng ký kê khai QSDĐ và đã “có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính” (theo điểm b, khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai 2003), trong khi khoản 2 Điều 87, Luật Đất đai 2003 quy định như sau: “Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18/12/1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”.

4. Từ những căn cứ nêu trên, chúng tôi cho rằng khi Nhà nước thu hồi đất, UBND tỉnh Hưng Yên bồi thường đất ở (thổ cư) cho các hộ: Ông Bùi Ngọc Đẩu, ông Nguyễn Kim Cát, ông Lâm Hải Quang là đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=25169