Sự thận trọng cần thiết từ cơ quan Nhà nước!   |  

Về nguồn gốc, đây là đất do HTX Ái Mộ giao cho ông Thủy sử dụng từ ngày 23/4/1990. Ngoài 23 m2 đất được được giao, gia đình ông Thủy còn san lấp hồ ao liền kề được khoảng gần 70 m2 để làm nhà ở.

Căn cứ biên bản kiểm tra hồi 10 giờ ngày 4/1/1993 của công an thì gia đình ông Thủy đã làm nhà cấp 4, tường xây, mái lợp ngói. Hộ ông Thủy đã được đăng ký hộ khẩu thường trú từ ngày 9/5/1996. Từ năm 1993 đến năm 2008, năm nào gia đình ông Thủy cũng nộp thuế nhà, đất với diện tích 79,5 m2.

Như vậy, đất ông Thủy sử dụng từ trước ngày Luật Đất đai 1993 được thi hành, làm nhà ở từ đó đến nay, không có tranh chấp. Lẽ ra, ông Thủy phải được cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003 ngay từ đợt đầu như các hộ liền kề có tình trạng sử dụng đất tương tự. Lý do chính quyền đưa ra để thu hồi đất là gia đình ôngThủy “sử dụng đất có nguồn gốc không hợp pháp” và “thời điểm tự xây nhà ở vào năm 2000”.

Ông Thủy đã khởi kiện Quyết định thu hồi đất số 4433/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 của UBND quận Long Biên. Đồng thời, theo yêu cầu của TAND quận Long Biên, tại “Giấy tự khai” đề ngày 25/3/2010, ông Thủy cho biết: Biên bản kiểm tra xây dựng công trình không phép ngày 7/11/2000, Quyết định 09 xử lý công trình phụ không phép ngày 8/11/2000 và Biên bản hòa giải ngày 18/6/1999 là những giấy tờ giả mạo chữ ký của ông Thủy. Trước đó, ngày 5/3/2010, UBND quận Long Biên ra Thông báo số 78/TB-UBND về việc ngày 11/3/2010 sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất hộ gia đình ông Thủy đang sử dụng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, việc cưỡng chế đã không xảy ra.

Dưới góc độ pháp lý, Tòa soạn có ý kiến gì về tình huống trên?

Nguyễn Bảo Hanh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

TRẢ LỜI:

Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn không nêu chung chung “thu hồi đất từ người sử dụng đất có nguồn gốc không hợp pháp”, mà quy định cụ thể: “Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp Giấy chứng nhận và thu hồi toàn bộ diện tích đất do lấn, chiếm và đất được giao, được cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau” (khoản 3 Điều 15 Nghị định số 84/2007/NĐ- CP).

Trong khi đó, thời điểm hộ ông Lê Phúc Thủy bắt đầu sử dụng đất (1990) xảy ra trước ngày Luật có hiệu lực tới 14 năm, đồng thời các hộ dân liền kề hộ gia đình ông Thủy (có tình trạng sử dụng đất tương tự) thì lại đã được cấp sổ đỏ ngay từ đợt đầu.

Như vậy, UBND quận Long Biên tiếp thu ý kiến của báo chí và công luận (nói chung), dừng cưỡng chế thu hồi đất để xem xét thêm, thể hiện sự thận trọng cần thiết từ cơ quan nhà nước, nhất là khi vợ chồng ông Thủy cùng mắc bệnh hiểm nghèo, riêng ông Thuỷ bị mất 32% sức lao động.

Ông Thủy cho rằng Biên bản kiểm tra xây dựng công trình không phép ngày 7/11/2000, Quyết định số 09 xử lý công trình phụ không phép ngày 8/11/2000 và Biên bản hòa giải ngày 18/6/1999 là những giấy tờ giả mạo chữ ký.

Nếu căn cứ các giấy tờ này (trong trường hợp đây là những giấy tờ thật) để ra quyết định thu hồi đất cũng không thuyết phục, vì hộ ông Thủy đã sử dụng đất từ 9 -10 năm trước. Cho đến nay, không có cơ sở để kết luận tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất (1990), ông Thủy đã có một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 14 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, nên hộ gia đình ông Thủy không phải là đối tượng bị thu hồi đất, mà thuộc diện được cấp GCNQSDĐ.

Riêng việc ông Thủy cho rằng, Biên bản kiểm tra xây dựng công trình không phép ngày 7/11/2000, Quyết định số 09 xử lý công trình phụ không phép ngày 8/11/2000 và Biên bản hoà giải ngày 18/6/1999 là những giấy tờ giả mạo chữ ký, cho thấy vụ việc có thể đã có dấu hiệu “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là tội danh quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự, cần được cơ quan công an xem xét, kết luận.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN