“Tạm giữ hình sự” người vi phạm Luật Giao thông Đường bộ   |  

Trước đó, khoảng 22h ngày 7/9/2008, tổ Công an phường đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh phát hiện 1 thanh niên đi xe “kẹp năm”: Chở 4 cô gái đều không đội mũ bảo hiểm (MBH), yêu cầu dừng xe. Bất ngờ, người này phi xe lên vỉa hè, đâm đổ 3 xe máy khác. Khi công an đang kiểm tra đối tượng điều khiển xe là Trần Đoàn Bá (21 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ) thì một người (sau này được biết là Nguyễn Tiến Mạnh) lao ra cướp xe rồi bỏ chạy. Cảnh sát Nguyễn Đức Năng chạy theo túm được đuôi xe, nhưng Mạnh vẫn tăng ga phóng đi khiến anh Năng bị ngã, chấn thương ở mặt và nhiều chỗ trên người, đang phải điều trị tại Bệnh viện 19-8. Tại cơ quan công an, Mạnh khai đã giao xe của mình cho Bá đi chở người. Khi thấy Bá bị giữ, Mạnh chạy đến để “đánh tháo” xe. Cơ quan công an đang lập hồ sơ xử lý Mạnh vì hành vi chống người thi hành công vụ.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, “tạm giữ hình sự” nên được hiểu như thế nào khi xử lý một hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ (đi xe “kẹp năm” chở 4 cô gái không đội MBH)? Trong xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), trường hợp nào thì người có thẩm quyền áp dụng biện pháp “tạm giữ hình sự”; còn trường hợp nào thì áp dụng biện pháp “tạm giữ hành chính”? Thủ tục “tạm giữ hình sự” đối với Nguyễn Tiến Mạnh trong vụ này?

Ý kiến của chúng tôi:

1. Về nguyên tắc, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử lý VPHC. Việc tạm giữ người vi phạm (kể cả tạm giữ  theo thủ tục hành chính hay theo thủ tục hình sự) khi xử phạt VPHC là chế tài bắt buộc phải áp dụng khi nguyên tắc đó không được tuân thủ từ phía người vi phạm. Trường hợp này, Pháp lệnh Xử lý VPHC gọi là “Xử lý vi phạm đối với người bị xử lý VPHC” theo Điều 122: “Người bị xử lý VPHC nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý VPHC hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”.

2. Người có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính lại bị tạm giữ (kể cả “tạm giữ hành chính” hay “tạm giữ hình sự”) thể hiện họ đã có hành vi “vi phạm lần thứ hai” (chống người thi hành công vụ) và đương nhiên, phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý về hành vi “vi phạm lần thứ hai” ấy. Trước tình huống này, người có thẩm quyền xử lý sẽ căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà quyết định “tạm giữ hành chính” hay “tạm giữ hình sự”, nghĩa là trách nhiệm mà người vi phạm phải gánh chịu là trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự. Về vấn đề này, các chuyên gia pháp luật giải thích như sau: “Trách nhiệm hành chính áp dụng đối với trường hợp người bị xử lý vi phạm trong quá trình giải quyết vi phạm đã thực hiện các hành vi như cản trở, không chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý, xúc phạm danh dự, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ… Theo quy định, những hành vi này cấu thành một VPHC khác và người bị xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính về những hành vi này do mình gây ra. Trách nhiệm hình sự được áp dụng trong trường hợp người bị xử lý vi phạm trong quá trình giải quyết vi phạm đã thực hiện các hành vi như chống người thi hành công vụ, đưa hối lộ, vu khống người có thẩm quyền xử lý… xâm phạm tới các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ. Trường hợp này, người bị xử lý phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi do mình gây ra”. (Bình luận khoa học Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002-Nhà xuất bản Tư pháp).

3. Theo quy định tại Điều 87 Bộ Luật Tố tụng hình sự thì thời hạn “tạm giữ hình sự” (kể cả gia hạn) tối đa là 9 ngày. Nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Nếu người bị tạm giữ bị khởi tố và tạm giam thì thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN