Viện KSND huyện Ninh Hoà xin lỗi công dân!   |  

Thế nhưng gần 2 tháng sau, Cơ quan CSĐT huyện Ninh Hòa ra quyết định khởi tố lại bà Hương cũng theo tội danh“lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lần này, Viện KSND huyện Ninh Hòa lại phê chuẩn quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam bà Hương 90 ngày. Cơ quan CSĐT đã kê biên nhà cửa, tịch thu cả tài sản không liên can đến vụ án và sau 2 lần điều tra bổ sung, đã chuyển tội danh đối với bà Hương từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thành “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Viện KSND huyện trả hồ sơ vụ án đến lần thứ 3 thì Cơ quan CSĐT không nhận lại, cho rằng Viện KSND chỉ được trả hồ sơ 2 lần. Sau đó, Viện KSND huyện quyết định truy tố bà Hương theo đề nghị của CSĐT. Nhưng, tháng 12/2006, TAND huyện Ninh Hòa đã trả hồ sơ vụ án. Hơn 1 năm sau, tháng 3/2008, Viện KSND huyện mới quyết định đình chỉ vụ án đối với bà Hương; tiếp đó, ngày 23/12/2008, ra biên bản chấp nhận xin lỗi công khai đối với bà Hương.

Trong vụ án này, Cơ quan Điều tra (CQĐT) và Viện KSND cùng… sai, nhưng vì sao lại chỉ có Viện KSND xin lỗi? Trường hợp nào phải kê biên tài sản? CQĐT có quyền quyết định tịch thu tài sản không liên can vụ án không? Có phải Viện KSND chỉ được trả hồ sơ 2 lần để điều tra bổ sung? Toà án trả hồ sơ vụ án theo quy định nào và hơn 1 năm sau đó, Viện KSND mới đình chỉ vụ án, đúng hay sai?

Ý kiến của chúng tôi

1. Cơ quan CSĐT và Viện KSND cùng… sai, nhưng sao lại chỉ có Viện Kiểm sát “xin lỗi”?

Có thể hình dung ở vụ án này, khi phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bà Hương 90 ngày, Viện KSND huyện Ninh Hoà đã không… “gặp may”, bởi Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người bị oan quy định, nếu họ bị tạm giam có phê chuẩn của Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát đã phê chuẩn có trách nhiệm bồi thường, xin lỗi người đó. Việc “xin lỗi” là một thủ tục thuộc “quy trình” khôi phục danh dự cho người bị oan trong tố tụng hình sự; thủ tục tiếp theo là đăng cải chính trên báo (trừ trường hợp người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ yêu cầu không đăng báo).

2. Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự, kê biên tài sản “áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Pháp luật không quy định CQĐT ra quyết định tịch thu “tài sản không liên can đến vụ án”.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra được quy định tại Điều 112 Bộ Luật Tố tụng hình sự, trong đó có việc “đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra” (khoản 2, Điều 112), và “CQĐT có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và Quyết định của Viện Kiểm sát” (Điều 114). Như vậy, ý kiến cho rằng Viện Kiểm sát “chỉ được trả hồ sơ 2 lần…” là không có cơ sở.

4. Tháng 12/2006, TAND huyện Ninh Hòa đã trả hồ sơ vụ án. Hơn 1 năm sau, tháng 3/2008, Viện KSND huyện mới ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bà Trần Thị Ngọc Hương:

Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại mục b, khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự. Pháp luật không quy định thời hạn điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án. Nhưng, hơn 1 năm sau kể từ ngày Toà án yêu cầu điều tra bổ sung, Viện KSND mới ra quyết định đình chỉ vụ án là trái với nguyên tắc “xử lý nhanh chóng” quy định tại khoản 1, Điều 8 Bộ luật Hình sự.

5. Tuy… “gặp may” (không phải “xin lỗi” người bị oan) nhưng chắc rằng từ vụ việc này, CQĐT huyện Ninh Hoà đã rút ra được nhiều bài học cho mình.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=16415