Vụ việc nên được các bên hoà giải!   |  

Ngày 1/8/2009, ngôi nhà này được ông Đỗ Thanh Hãnh, sinh năm 1944 (bố đẻ của chị Trang) ký hợp đồng cho anh Vũ Viết Minh Quân (sinh năm 1986), đại diện cho Cty Cổ phần Dữ liệu Tình yêu thuê trong thời hạn 3 năm. Khi ký hợp đồng thuê nhà, ông Hãnh có cho anh Quân xem bản photo GCNQSHN và QSDĐ của con gái. Sau khi ký hợp đồng, anh Quân đặt cọc 10 triệu đồng và thanh toán luôn cho ông Hãnh 3.300 USD là tiền thuê nhà 3 tháng 9, 10 và 11/2009, đồng thời ký biên bản giao nhà. Sau đó 1 tuần, ông Hãnh mới chuyển đồ đạc đi. Ngày 17/8/2009, khi anh Quân tiến hành sửa nhà thì xảy ra tranh chấp. Theo anh Quân, trước đó, bên thuê nhà đã thông báo cho ông Hãnh về việc sơn sửa nhà. Ông Hãnh nói rằng không được sơn nhà với lý do có cột điện ngay gần nhà; nếu sơn nhà thì phải huỷ hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó ông Hãnh nói lại: Nếu muốn sơn nhà thì phải đặt cọc cho ông 3.000 USD; số tiền này để ông tẩy sơn sau khi hết hợp đồng thuê nhà. Bên thuê nhà không đồng ý, đã khởi kiện ra toà án, yêu cầu chấm dứt hợp đồng; theo đó, bên cho thuê nhà trả lại các khoản tiền đã nhận. TAND quận Hoàn Kiếm thụ lý vụ kiện, ngày 2/12/2009, đã tổ chức hoà giải. Tại đây, anh Quân nhận được một “Đơn đề nghị” được chị Đỗ Thu Trang ký với nội dung cho bố đẻ (ông Đỗ Thanh Hãnh) “sử dụng và quản lý (nhà ở) giúp tôi kể từ ngày 31/07/2009” do chị Trang “phải đi làm xa”. Đơn đề nghị ghi 31/7/2009, nhưng đến 1/9/2009 mới được Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo “chứng thực bà Đỗ Thu Trang ký trước mặt tôi”.

Ý kiến của chúng tôi

Ngày 31/7/2009, chị Đỗ Thu Trang uỷ quyền cho ông Đỗ Thanh Hãnh (bố đẻ của mình) sử dụng, quản lý nhà của chị kể từ hôm ấy (31/7/2009), nhưng mãi đến 1/9/2009 (tức 1 tháng 1 ngày sau đó), uỷ quyền mới được UBND phường Trần Hưng Đạo chứng thực, nên về mặt pháp lý, trước ngày 1/9/2009, ông Hãnh chưa thể là người “sử dụng và quản lý” ngôi nhà 68 Trần Quốc Toản.

Mặt khác, căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở thì “thuê nhà ở” và “uỷ quyền sử dụng và quản lý nhà ở” là 2 việc khác nhau. Là chủ hữu nhà ở số 68 Trần Quốc Toản, nếu muốn cho thuê lại ngôi nhà này do “phải đi làm xa”, chị Đỗ Thu Trang cần thông qua người đại diện của mình (có thể là bố đẻ hoặc người khác) thoả thuận với bên thuê nhà theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định (chẳng hạn, đối với nhà ở tại đô thị, hợp đồng cá nhân cho thuê nhà từ 6 tháng trở lên “phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện”. Nếu 2 bên giao kết hợp đồng không làm như vậy thì hợp đồng về nhà ở không có hiệu lực, bởi khoản 2 Điều 122 Bộ luật Dân sự quy định hình thức giao dịch dân sự là một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật (về nhà ở) “có quy định”.

Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này “thì vô hiệu”.

Trong giao dịch dân sự, pháp luật Việt Nam đề cao các nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, đồng thời khuyến khích hoà giải khi có tranh chấp.

Nếu hoà giải không thành, vụ việc dân sự sẽ phải đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND quận Hoàn Kiếm. Trong trường hợp này, thiết nghĩ, sự bất lợi nghiêng nhiều hơn về phía ông Hãnh là bên cho thuê nhà 68 Trần Quốc Toản.

http://www.thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=26289

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN
Đăng trên báo Thanh Tra Online