XÉT XỬ VỤ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM   |  

Những chiếc máy đùn gạch kiểu cũ yêu cầu người lao động phải liên tục dùng tay hoặc chân ép nguyên liệu vào lô nghiền nhào. Điều này dễ dẫn đến tai nạn do mệt mỏi, thiếu tập trung. Đồng thời, máy có năng suất không cao, chất lượng gạch không đồng đều, do thường xuyên phải ngừng chạy để xử lý tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình do nguyên liệu xấu có lẫn sỏi sạn.

Sản phẩm cải tiến của ông Thịnh được bổ sung trục cào và dao cán đã khắc phục được những nhược điểm đó. Máy đùn gạch đã được ông Thịnh cải tiến bao gồm vỏ máy, đầu trên của nó có bố trí phễu, hai quả lô lắp quay được trong vỏ máy, trục cào lắp quay được vào vỏ bên trên hai quả lô và một con dao cán được lắp nằm ngang vào giữa hai quả lô, trong đó trục cào có các dãy răng có tác dụng cào liên tục đất nguyên liệu từ phễu cấp cho hai quả lô làm tăng năng suất nghiền-nhào. Dao cán được đặt xen giữa hai quả lô và có cạnh trên nằm cao hơn tâm của hai quả lô và dao để tăng khả năng nghiền sỏi sạn và khắc phục hiện tượng gây tắc nghẽn ở cửa khuôn gạch, do đó nâng cao năng suất của máy đùn gạch, chất lượng gạch đồng đều, ít thứ phẩm, đảm bảo độ bền của máy. Theo tính toán hiệu quả của máy đùn gạch theo giải pháp hữu ích này đem lại và đối chứng thực tế sử dụng cho thấy nếu sản xuất bằng máy thường không có trục cào công suất chỉ đạt 1200viên/giờ, trong khi đó sử dụng máy đùn gạch có trục cào của ông Thịnh công suất đạt 2.500viên/giờ gấp đôi máy thường, hơn thế nữa sản phẩm gạch ra lò ít bị lỗi và tăng mức độ an toàn lao động.

Sau khi phát hiện Cơ sở Việt Mỹ sử dụng chiếc máy đùn gạch có trục cào của mình, ông Thịnh đã yêu cầu Cơ sở này ngừng sản xuất vì chưa được Ông cho phép, đồng thời nhờ cơ quan chức năng can thiệp, theo đó Sở khoa học và công nghệ và các cơ quan chức năng khác đã vào cuộc, lập biên bản hiện trường, kiểm tra đối chất với chủ sở hữu và người sử dụng, đánh giá dựa trên máy đùn gạch theo giải pháp hữu ích của ông Thịnh đối với máy móc thiết bị được sử dụng và đưa ra kết luận rằng hành vi của ông Nguyễn Đình Mỹ sử dụng máy đùn gạch dựa trên giải pháp hữu ích của ông Thịnh là trái phép vì chưa được phép của ông Thịnh.

Vụ việc được Sở khoa học công nghệ ĐăkLăk xem xét giải quyết nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Đến cuối tháng 3/2008, UBND tỉnh ĐăkLăk có văn bản chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ xâm phạm quyền sở hữu giải pháp hữu ích giữa nhà sáng chế là ông Hoàng Thịnh với người sử dụng là ông Nguyễn Đình Mỹ và bà Thái Thị Thu Sương đến Toà án nhân dân tỉnh ĐăkLăk để giải quyết.

Ngày 18/7/2010 Hội đồng xét xử toà án nhân dân tỉnh ĐăkLăk đã mở phiên toà sơ thẩm. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn thể hiện mình là những người nông dân không nhận thức được việc họ sử dụng máy móc trên cơ sở giải pháp hữu ích đã được nhà nước cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích trong quá trình sản xuất, nếu muốn sử dụng phải được phép của chủ sở hữu. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ các trường hợp sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích của người khác để kinh doanh thì phải trả thù lao cho tác giả, và phí chuyển giao quyền sử dụng cho chủ sở hữu sáng chế/giải pháp hữu ích. Do Cơ sở Việt Mỹ không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả các khoản thù lao và phí chuyển giao quyền sử dụng giải pháp hữu ích nên ông Hoàng Thịnh thực hiện việc đòi bồi thường thiệt hại. Khi đó, nhiều người đã không hiểu vì sao phải bồi thường thiệt hại. Suy nghĩ lâu nay của người sản xuất đơn giản là mua một cái máy về để sản xuất là xong, không cần biết cái máy đó có được sản xuất hợp pháp hay không và không hề tính đến quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Trên cơ sở phân tích yêu cầu của ông Hoàng Thịnh về bồi thường thiệt hại do cơ sở sản xuất Việt Mỹ gây ra, Hội đồng xét xử đã xác định cơ sở Việt Mỹ đã xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích của ông Hoàng Thịnh và buộc ông Nguyễn Đình Mỹ bồi thường cho ông Hoàng Thịnh số tiền là 351 triệu đồng. Vụ án xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích sau 8 năm đã được khép lại và đem lại công bằng cho tác giả, chủ sở hữu giải pháp hữu ích.

Qua sự việc nêu trên, các doanh nghiệp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nên có cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ có hiệu quả tài sản trí tuệ của mình. Những doanh nghiệp có uy tín trên thế giới đều rất coi trọng vấn đề bảo vệ quyền lợi của mình liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cũng như lợi ích của cộng đồng liên quan. Ngay tại Việt Nam, việc Công ty Unilever đã thành lập đội ACF với chức năng chuyên bảo vệ quyền đối với các nhãn hiệu của Công ty trên cơ sở chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng, là một kinh nghiệm tốt. Bài học đắt giá của Cơ sở Việt Mỹ không chỉ cho những người nông dân làm doanh nghiệp như ông Mỹ, bà Sương mà cho tất cả những ai xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một loại tài sản có giá trị trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

(Nguyễn Thị Liên, Trung tâm Thông tin, Cục SHTT)
Mời xem video phóng sự dưới đây:

 http://www.noip.gov.vn/noip/cms_vn.nsf/vwDisplayContentNews/BC06C0B22013A3CE472577A6002F486A?OpenDocument