Xử lý hành vi xâm phạm quyền trẻ em   |  

Những sự việc trên đây cần được hiểu như thế nào nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, về Hình sự và Tố tụng hình sự?

Ý kiến của chúng tôi:

1. Việc làm của bà Quảng Thị Kim Hoa vi phạm 1 trong 10 hành vi bị Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nghiêm cấm: “Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác” (Khoản 6, Điều 7).

2. Trong tình huống này, Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp (để tạm giữ) người vi phạm, sau đó mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chính thức bắt tạm giam. Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho phép bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi hành vi phạm tội đã rõ ràng (Khoản 1, Điều 81). Việc bà Hoa “hành hạ người khác” với những hình ảnh chân thực được phát sóng trên Đài truyền hình buổi tối 15/1/2008 cho thấy hành vi phạm tội của người trông giữ trẻ này đã rõ ràng. Một ngày sau, 16/1/2008, Cơ quan CSĐT TP Biên Hòa ra lệnh bắt khẩn cấp bà Hoa về hành vi nêu trên là cần thiết, thể hiện sự tuân thủ nguyên tắc xử lý hình sự được quy định trong Bộ Luật: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh” (Khoản 1, Điều 3).

Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, từ 16/1 (ngày bà Hoa bị bắt khẩn cấp) đến 24/1/2008 là thời gian bà Hoa bị tạm giữ. Ngày 24/1/2008, bà Hoa bị Cơ quan CSĐT TP Biên Hòa khởi tố với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Hình sự đồng thời bắt tạm giam bị can kể từ ngày này.

Kết quả giám định: Cháu Huỳnh Thị Mỹ Duyên bị thương tích 3%, cháu Phan Thành Đạt bị thương tích 1% và gia đình hai cháu Duyên, Đạt có đơn yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Quảng Thị Kim Hoa là những căn cứ để Cơ quan CSĐT TP Biên Hòa khởi tố bà Hoa với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Hình sự (gây thương tích dưới 11% đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ).

Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Tố tụng hình sự, tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên.

3. TAND TP Biên Hòa xét xử vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, tuyên phạt bị cáo Quảng Thị Kim Hoa 18 tháng tù giam, buộc bồi thường 6,8 triệu đồng cho gia đình cháu bé là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật: “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật” (Khoản 2, Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em).

4. Cuối cùng, vụ việc được phanh phui và xử nghiêm minh có sự đóng góp đáng kể của phóng viên, biên tập viên các Đài truyền hình. Họ đã thi hành công vụ theo đúng quy định của Luật Báo chí và đồng thời cũng là thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là “phát hiện, phê phán hành vi vi phạm quyền của trẻ em” – (Khoản 2, Điều 25).

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=5814

|