Thời điểm hưởng chế độ hưu trí   |  

Tuy nhiên, trong thời gian làm việc, từ tháng 12/1998 – 4/2000, ông Đảm được chuyển từ DN về công tác tại Sở Xây dựng tỉnh, nhưng cơ quan có thẩm quyền… quên chuyển xếp lại ngạch, bậc lương mới. Sự “quên” đó, về sau, đã gây cho ông nhiều điều “rắc rối”. Theo đó, người ta cũng… “quên” luôn việc trả lương hưu cho ông kể từ ngày ông nghỉ việc, trong khi những người khác có tình trạng tương tự đều đã được hưởng chế độ theo đúng quy định. Mãi gần đây, sau nhiều năm ông Đảm gửi đi hàng xấp “đơn khiếu nại”, “đơn kêu cứu” cộng với sự “tiếp sức” của báo chí, sự việc mới được “sáng” dần lên. Ngày 18/7/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 938/QĐ-UBND về việc chuyển xếp lương cán bộ “làm cơ sở để giải quyết chế độ, chính sách hưu trí của ông Bùi Đức Đảm”. Căn cứ Quyết định này, ngày 23/9/2008, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết đinh số 693/QĐ/BHXH-CSCĐ, chấp nhận để ông Đảm được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng kể từ ngày 01/9/2008 (không phải kể từ ngày ông Bùi Đức Đảm có quyết định nghỉ việc).

Ý kiến của chúng tôi
1.Từ tháng 10/2004 (thời điểm ông Bùi Đức Đảm nghỉ việc) đến cuối năm 2008 (tức là phải mất 4 năm), một vụ việc khiếu nại không quá phức tạp mới được giải quyết nhưng… không dứt điểm!

Tuy chưa đủ căn cứ để kết luận cơ quan có thẩm quyền ở Bắc Ninh “vô cảm” với việc của người dân, nhưng kết quả giải quyết vụ khiếu nại này cho thấy tốc độ… “rùa” trong cải cách thủ tục hành chính là… có thật, bất chấp thực tế vào giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã ký khá nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, như: Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg ngày 5/4/2005 về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23/3/2006 về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 7/9/2006 về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và DN…

2. Theo chúng tôi, Quyết định số 693/QĐ/BHXH-CSCĐ của BHXH tỉnh Bắc Ninh không phù hợp với quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thật vậy, Nghị định số 143/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/9/2007 quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu đã giải thích như sau: “Thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí là thời điểm nghỉ việc đồng thời cũng là thời điểm hưởng chế độ hưu trí được ghi trong quyết định nghỉ hưu do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức quyết định” (khoản 2, Điều 3).

“Thời điểm nghỉ việc” của ông Đảm là tháng 10/2004, nhưng Quyết định của BHXH tỉnh Bắc Ninh lại… “chốt” chặt “thời điểm hưởng chế độ hưu trí” của ông kể từ… 1/9/2008 (sau 4 năm kể từ thời điểm ông nghỉ việc): Rõ ràng không phù hợp với giải thích nêu trên từ Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.

Mặt khác, Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội hướng dẫn: “Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện theo quy định khi nghỉ việc được tính từ tháng liền kề sau tháng cơ quan, đơn vị, người lao động nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức BHXH”.

Tháng 9/2008 – thời điểm ông Đảm hưởng lương hưu theo quyết định của BHXH tỉnh Bắc Ninh không phải là… “tháng liền kề” ấy, bởi chắc chắn người lao động nghỉ việc từ tháng 10/2004 sẽ chẳng bao giờ làm chuyện dại dột mòn mỏi… “chờ” cho đến mãi… tháng 8/2008 mới “nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức BHXH”!

3. Ông Bùi Đức Đảm tham gia BHXH từ trước ngày Luật BHXH có hiệu lực (1/1/2007). Luật BHXH “được áp dụng đối với người tham gia BHXH từ trước ngày luật này có hiệu lực” (Điều 139). Đề nghị BHXH tỉnh Bắc Ninh xem xét, điều chỉnh Quyết định số 693/QĐ/BHXH-CSCĐ cho phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nguyễn Chấn
Luật gia-Nhà báo
PGĐ Công ty Luật SHTT ALNGUYEN

http://thanhtra.com.vn/Default.aspx?tabid=55&newsid=14356